Quyết định 701/QĐ-TTg vừa được ký vào cuối tháng 5 nhằm kiện toàn Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch, đã cho thấy tầm quan trọng của việc hiện thực hoá các mục tiêu quản lý Nhà nước trong kỷ nguyên số.
Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tích cực trong việc xây dựng Cổng Dịch vụ công Quốc gia và triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối Cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương; đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. Cổng dịch vụ công quốc gia cần tiến tới là một hiện diện số nhất quán, đầy đủ và thân thiện của Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để phục vụ việc quản lý, điều hành của Chính phủ, thời gian tới, các Hệ thống thông tin Chính phủ không giấy tờ; Hệ thống điện tử về tham vấn chính sách; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia tiến tới xây dựng Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang được tập trung nghiên cứu, thiết lập.
Lúc này cũng là thời điểm Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội đặt ra sứ mệnh: Thực hiện thắng lợi chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hộ số tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ X.
Trong suốt thời gian qua, bằng những nỗ lực và kết quả của mình, Viettel đã chứng minh năng lực là doanh nghiệp nòng cốt hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
Nhìn từ đại dịch COVID-19
Người đứng đầu Chính phủ đã đánh giá rằng, việc đẩy mạnh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử đã góp phần giúp Việt Nam phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, bên cạnh sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân và những nỗ lực lớn của các lực lượng chức năng.
Còn nhớ, ngay sau Tết Nguyên đán, thời điểm chúng ta còn đang khống chế dịch COVID-19 giai đoạn 1 và chưa phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, ngày 12/2.
“Chúng ta đưa ra những nhiệm vụ mới, giải pháp mới để năm 2020 thực hiện đạt kết quả tốt, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, vào lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam”, Thủ tướng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ này trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Hối thúc của Thủ tướng đã mang lại tác dụng lớn khi mà sau đó những ứng dụng Chính phủ điện tử trong thực thi công vụ, giao tiếp công vụ đã kết nối tốt giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân.
Cũng lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam, hình thức họp trực tuyến được thực hiện, kết nối từ Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) tại Thủ đô Hà Nội đến 63 tỉnh, thành phố. Kỳ họp đã được triển khai an toàn, hiệu quả trên nền tảng hạ tầng thông tin thông suốt ngay giữa thời điểm cả thế giới bị đại dịch hoành hành.
Tổng hợp của Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử cho thấy, từ thời điểm Thủ tướng nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay, đã có hơn 178.000 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 46,3 triệu lượt truy cập; hơn 10,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; 18/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Chưa đầy một năm đi vào hoạt động, đã có gần 1,3 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Đây là con số hết sức ấn tượng, cho thấy sự kết nối các cấp hành chính, giữa các cơ quan hành chính với người dân, doanh nghiệp.
Những kết quả đó đều ghi dấu ấn của Viettel trong việc xây dựng hạ tầng, phát triển nền tảng, đóng góp những bước đi đầu tiên, quan trọng trên hành trình xây dựng kinh tế số, xã hội số của Chính phủ.
Viettel xác định “nhiệm vụ trọng tâm”
Là tập đoàn kinh tế của quân đội được Chính phủ lựa chọn giao nhiều dự án quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Ban Lãnh đạo Viettel coi đây là vinh dự đồng thời là trách nhiệm lớn lao trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Ngay từ nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỷ 2015-2020 của Tập đoàn, Đảng bộ Tập đoàn Viettel đã xác định “đưa dịch viễn thông-công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội” và “hoàn thành các dự án chính phủ điện tử” là hai trong bảy nhiệm vụ trọng tâm của mình.
Trong 5 năm qua, Viettel tập trung thực hiện có hiệu quả xây dựng nền tảng ứng dụng giải pháp CNTT cho Chính phủ, các bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn; ký thỏa thuận hợp tác về triển khai các dự án Chính phủ điện tử, đô thị thông minh với 9 bộ, cơ quan ngang bộ, 23 tỉnh/ thành phố. Viettel đã triển khai có hiệu quả một số dự án quy mô, như: Dự án một cửa quốc gia; dự án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; các dự án hiện đại hóa ngành y tế, giáo dục, giao thông…
Đáng chú ý, Viettel triển khai thành công hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet). Đến thời điểm này, các sản phẩm và ứng dụng do Viettel xây dựng cho hệ thống nêu trên đã phục vụ 14 hội nghị, phiên họp của Chính phủ thay thế cho việc in ấn 47.000 tài liệu giấy và thực hiện xử lý 315 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế việc phát hành gần 50.578 phiếu giấy, hồ sơ tài liệu kèm theo.
Có thể nói, Viettel đã đóng góp không nhỏ vào việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 năm 2016 về “đổi mới phương thức và nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước”, trong đó có mục tiêu “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện điện tử hoá nghiệp vụ quản lý nhà nước và xã hội hoá việc xây dựng các dữ liệu thông tin quản lý nhà nước là nhiệm vụ quan trọng xây dựng bộ máy lãnh đạo Đảng, chính phủ trong giai đoạn mới”.
Đến Nghị quyết 18 năm 2017, Trung ương lại tiếp tục nhấn mạnh việc đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng để sắp xếp lại bộ máy chính trị, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sau khi Chính phủ có nhiều động thái mạnh mẽ để thúc đẩy Chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế, xã hội số, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức và quá trình triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Đồng hành cùng các địa phương, tháng 7/2019, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên-Huế do Viettel hỗ trợ xây dựng chính thức ra mắt. Trung tâm này tạo ra môi trường thông minh để chính quyền tương tác, trao đổi và kịp thời thông tin, xử lý những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Các dự án ứng dụng Viễn thông- CNTT, các giải pháp thông minh của Viettel được tập trung vào các hệ thống nền tảng như: Giao thông, Y tế, Năng lượng, Giáo dục, phục vụ lợi ích của số đông người Việt Nam. Đối với lĩnh vực giáo dục, Viettel đang triển khai nâng cấp hạ tầng cho các trường học, chuyển từ mạng ADSL trước đây sang kết nối cáp quang miễn phí. Xây dựng hệ thống quản lý nhà trường, học sinh, giáo viên, bài giảng, thi cử và những số liệu giáo dục; nội dung cho phương pháp dạy và học mới. Trong lĩnh vực Y tế, Viettel tập trung phát triển giải pháp tự động thanh toán bảo hiểm y tế, quản lý y tế cơ sở, khám chữa bệnh điện tử…
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel nhận định: “Việt Nam đang cùng thế giới tiến vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Lần đầu tiên đất nước ta song hành cùng một cuộc cách mạng công nghiệp với thế giới – điều mà lịch sử đã không cho chúng ta cơ hội tiếp cận trước đây. Chuyển đổi số là cánh cửa để Việt Nam tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Viettel lần thứ X sẽ quyết nghị mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp này. Trong đó, thực hiện thắng lợi chiến lược chuyển đổi số, tiên phong kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao được coi là sứ mệnh không thể chối từ của Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước.
Khát vọng đưa công nghệ 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống Chia sẻ về mục tiêu của Viettel trong những năm tới, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết, Viettel sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. Viettel sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng 4.0, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo. Trong giai đoạn phát triển tới, Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và CNTT hiện đại nhất làm nền tảng đưa công nghệ 4.0 vào mọi lĩnh vực đời sống. Sứ mệnh giai đoạn phát triển tiếp theo của Viettel là kiến tạo xã hội số. Những nền tảng cốt lõi như Chính phủ điện tử, công dân trực tuyến, y tế và giáo dục không khoảng cách, đô thị thông mình, nông nghiệp thông minh, quản lý môi trường thông minh… sẽ được ưu tiên triển khai nhanh nhất và phù hợp nhất. |