In bài viết

Khí hậu, thời tiết và sức khỏe

Thời tiết (weather) là trạng thái của lớp không khí (khí quyển) bao quanh trái đất vào một thời điểm và một không gian nào đó. Trạng thái này bao gồm sự nóng, lạnh, khô, ẩm, mưa, gió...

31/12/2010 12:08

Ảnh minh họa – Đào Duy An

Thời tiết liên tục thay đổi theo thời gian. Khí hậu (climate) là tình hình chung về thời tiết của một miền nào đó trong thời gian dài, thường ít nhất là một tháng, có khi cả chục năm.
Khí hậu, thời tiết và sức khỏe có mối liên hệ với nhau. Mối liên hệ này không phải là khám phá mới lạ mà ngay từ thuở xa xưa con người đã nói tới.
Trong ngôn từ dân gian, "trái gió, trở trời" có nghĩa là đau ốm và rất nhiều căn bệnh, được quy cho nguyên nhân thời tiết. Cả những bệnh dịch cũng được gọi là bệnh "thời khí", bao hàm ý do thời tiết "độc hại" gây ra…
Những lương y trước đây thường rất quan tâm đến thời tiết khi chữa bệnh. Hái thuốc vào lúc nào, sao tầm chế biến thuốc ra sao, uống thuốc ban đêm hay ban ngày… Theo cách nhìn của đông y, thời tiết có ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả của việc chữa bệnh.
Quy cho thời tiết là nguyên nhân của tất cả mọi bệnh thì không đúng. Song quả thực là thời tiết, khí hậu đã có những tác động vô cùng quan trọng đến đời sống, sức khỏe và nhiều bệnh của con người.
Cũng giống như đối với mọi sinh vật nói chung, điều kiện nhiệt độ và độ ẩm có tác động trực tiếp nhất đối với đời sống con người. Chẳng hạn trong giới hạn nhiệt độ khoảng 24 - 26 0 C và độ ẩm 70 - 80%, ta cảm thấy rất dễ chịu, thoải mái. Nhiệt độ cao cùng với độ ẩm cao gây cảm giác ngột ngạt, oi bức (như trường hợp trước những cơn dông chẳng hạn); còn độ ẩm cao mà nhiệt độ lại thấp thì rất khó chịu, rét buốt. Ai từng ở qua mùa Đông nơi những xứ lạnh, đều biết rằng nhiệt độ rất thấp nhưng khô còn dễ chịu đựng hơn thời tiết rét ẩm trong mùa Đông ở miền Bắc nước ta. Song, đó mới chỉ là mặt dễ nhận thấy nhất, trong mối quan hệ Khí hậu - Đời sống.
Khi theo dõi những người mắc các chứng bệnh "thời tiết" như thấp khớp, hen suyễn, tim mạch, thần kinh… các bác sĩ đã nhận thấy rằng nhiều khi triệu chứng bộc phát của bệnh đã rõ rệt ngay từ trước khi có những biểu hiện ở nhiệt độ và độ ẩm. Chẳng hạn như trước khi gió mùa về. Gió mùa là những sóng lạnh từ những trung tâm áp cao ôn đới tràn về nước ta, thay thế cho không khí nóng ẩm tại chỗ. Mỗi đợt gió mùa không hề được báo trước bằng sự hạ nhiệt độ hay độ ẩm, mà chỉ khi sóng lạnh về tới nơi, nhiệt độ và độ ẩm mới giảm đột ngột. Thế thì tại sao, từ 2-3 hôm trước khi gió mùa về, người bệnh đã cảm thấy đau. "Tín hiệu" gì đã kích động các cơn đau bộc phát? Nếu không phải nhiệt độ, độ ẩm thì chỉ có thể là những chấn động do sự di chuyển của sóng lạnh truyền đi phía trước! Những chấn động này không đo được bằng máy móc thông thường, nhưng có thể được cảm ứng bởi người bệnh, thông qua một cơ chế bí mật. Điều này khiến ta có thể liên hệ với hiện tượng một số loài cá, tôm nhờ "nghe" được âm thanh chuyển động của bão nên có khả năng báo trước bão khá chính xác.
Trong một số trường hợp khác, đối với những bệnh gọi là "dị ứng thời tiết", thì lại không có cả những dấu hiệu về một sự tác động bên ngoài nữa. Như có những người bị dị ứng lạnh hay nóng, hay nóng ẩm, căn bệnh chỉ bộc phát vào một khoảng thời gian nhất định nào đó trong năm thôi. Còn những thời gian khác, dù có lạnh hơn, hay nóng hơn, ẩm hơn thì cũng chẳng sao. Rõ ràng là bản thân nhiệt độ - độ ẩm không phải tác động chính, mà phải có "cái gì đó" kết hợp thêm với nhiệt độ - độ ẩm nữa. "Cái gì đó" có thể là những tạp chất lơ lửng trong không khí hay điện trường khí quyển, hoặc cả hai thứ cộng lại. Chính sự "dị thường" về tạp chất lơ lửng hai điện trường khí quyển đã gây ra những phản ứng có bản chất sinh lý hay sinh hóa trong cơ thể, tạo thành bệnh dị ứng.
Những kết quả thí nghiệm còn cho thấy vai trò của phóng xạ khí quyển, của từ trường và cả của những ảnh hưởng vũ trụ tới cơ thể nữa. Như một số nhịp độ sinh lý có liên quan với các hằng số vũ trụ như chu kỳ chuyển động của mặt trăng xung quanh trái đất, chu kỳ mặt trời… Từ trường có ảnh hưởng tới hoạt động của thần kinh; các tác động phóng xạ có thể gây ra những rối loạn trong chức năng tâm, sinh lý, gây ra sự hưng phấn của hệ thần kinh… mà những nhân tố này thường lại liên quan với điều kiện thời tiết.
Mối quan hệ giữa khí hậu và đời sống có một phần là trực tiếp, còn một phần là gián tiếp, như là biểu hiện bề ngoài của những tác nhân địa vật lý hoặc vũ trụ. Nhưng phần gián tiếp ấy nhiều khi lại rất quan trọng. Nó có thể là nguyên nhân của những vụ "bùng nổ sinh học" của sự bộc phát các dịch bệnh người và vật của các căn bệnh thời tiết.
Sự thay đổi thời tiết có thể tác động, kích thích hàng loạt người, ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu của não và gây nhức đầu, đau lưng, nhức xương, mệt mỏi, đau nhói vùng tim. Ở những người đứng tuổi có bệnh mãn tính, sự thay đổi thời tiết có thể sẽ làm bệnh nặng lên.
Nhiều người cũng có thể dự đoán được sự thay đổi thời tiết trước mấy giờ, thậm chí vài ngày như một nhân viên khí tượng thực thụ. Đó là vì mỗi tế bào của cơ thể đều có liên quan mật thiết với từ trường trái đất. Chung quanh mỗi tế bào và mỗi bộ phận cơ thể đều có một trường điện yếu. Chính trường điện này đã cho phép ghi điện tâm đồ, điện não đồ và tìm ra các điểm hoạt động sinh học trên cơ thể con người. Mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ đều gây cho cơ thể những hiện tượng không bình thường về điện khiến một số người nhận biết được.
Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum