Bà Trần Hà Giang (Hà Nội) hỏi, bác sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền, sau đó đi học định hướng chuyên khoa phụ sản, được người chịu trách nhiệm cho phép thực hiện: khám bệnh, chữa bệnh, chỉ định các phương pháp cận lâm sàng, chuyên môn kỹ thuật, kê đơn thuốc, chỉ định các chế độ chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, đánh giá kết quả khám bệnh, chữa bệnh; tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh... như vậy có được không, hay chỉ được thực hiện các kỹ thuật của chuyên ngành phụ sản?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Người hành nghề tham gia các khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 và Khoản 3 Điều 128 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận (bao gồm cả các chứng chỉ, giấy chứng nhận được cấp trước ngày 1/1/2024) nhưng chưa có trong phạm vi hành nghề đã được cấp, thì không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề mà căn cứ chứng nhận đào tạo kỹ thuật chuyên môn do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và năng lực thực hiện kỹ thuật chuyên môn của người hành nghề, người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép người hành nghề thực hiện kỹ thuật đã được đào tạo bằng văn bản.
Người hành nghề có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản nếu muốn điều chỉnh phạm vi hành nghề theo quy định tại Điểm a hoặc Điểm b Khoản 1 Điều 135 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản có thời điểm bắt đầu đào tạo sau ngày được cấp giấy phép hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc điều chỉnh giấy phép hành nghề;
- Phải hoàn thành việc thực hành chuyên khoa tương ứng với chuyên khoa đã được đào tạo ghi trên chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản để làm căn cứ điều chỉnh giấy phép hành nghề. Tổng thời gian học chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản và thời gian thực hành tối thiểu là 18 tháng.
Chinhphu.vn