Tuy nhiên, danh mục thiết bị của đơn vị ông Hà lại nằm trong danh mục bí mật của Nhà nước, quân đội nên một số ý kiến cho rằng như vậy thì vi phạm Khoản 1, Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nên không được thực hiện chỉ định thầu rút gọn mà phải chỉ định thầu thông thường.
Theo ý kiến của ông Hà, một gói thầu hỗn hợp, trong hạn mức (chưa tới 200 triệu đồng) trong danh mục bí mật mà lại phải thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thông thường sẽ rất tốn thời gian, hồ sơ, giấy tờ. Theo ông hiểu, Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chỉ định thầu rút gọn nêu ra 2 hướng:
- Khoản 1, quy định với các trường hợp khẩn cấp, nhưng trừ gói thầu bảo đảm bí mật Nhà nước thì dù gói thầu có giá trị bao nhiêu cũng được phép chỉ định thầu rút gọn. Việc này rút gắn thời gian, giấy tờ đồng thời hạn chế việc lạm dụng đóng dấu mật để thực hiện chỉ định thầu rút gọn.
- Khoản 2, quy định với các gói thầu nhỏ theo hạn mức thì được phép chỉ định thầu rút gọn để bảo đảm thời gian, bớt thủ tục giấy tờ.
Ông Hà hỏi, ông hiểu như trên đã đúng chưa và với trường hợp của đơn vị ông có được phép thực hiện chỉ định thầu rút gọn không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Theo Khoản 1, Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu là không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Đối với vấn đề của ông Hà, trường hợp gói thầu xây lắp có giá gói thầu thuộc hạn mức được áp dụng chỉ định thầu nêu trên thì áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại Khoản 2, Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.