In bài viết

Khi nào nhà giáo được tính lương dạy thêm giờ?

(Chinhphu.vn) - Khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập quy định, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

23/08/2023 10:02

Bà Tô Thị Phương Bình (Tuyên Quang) hỏi, số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt (để tính thanh toán lương dạy thêm giờ) được xác định là số biên chế theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về giao biên chế giáo viên hay tính theo định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Căn cứ quy định này, hằng năm nhà trường lập đề án vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và cân đối, bố trí giao số lượng biên chế hoặc tuyển dụng bổ sung (nếu thiếu) số lượng nhà giáo cho nhà trường. 

Như vậy, số lượng nhà giáo trong trường học được tính bằng số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao hằng năm.

Chinhphu.vn