In bài viết

Khi nào nhà thầu bị coi có hành vi chuyển nhượng thầu?

(Chinhphu.vn) - Hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu, phần hợp đồng tương tự yêu cầu nhà thầu trong vòng 5 năm gần đây đã thực hiện 1 hợp đồng tương tự với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh) hoặc nhà thầu phụ.

21/11/2022 09:02

Khi tham dự thầu gói thầu trên, nhà thầu X kê khai đã thực hiện 1 hợp đồng tương tự với vai trò là nhà thầu phụ và cung cấp các tài liệu sau:

- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu công trình giữa nhà thầu Y (nhà thầu chính) với chủ đầu tư (dự án được điều chỉnh bởi Luật Đấu thầu);

- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu, hóa đơn GTGT giữa nhà thầu Y và nhà thầu X;

- Hợp đồng đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về giá trị và tính chất tương tự.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, tổ chuyên gia kiểm tra các tài liệu mà nhà thầu X cung cấp và nhận thấy: Khối lượng mà nhà thầu X tham gia > 10% giá trị hợp đồng giữa nhà thầu Y ký với chủ đầu tư. Nhà thầu X cũng không có tên trong danh sách và cũng không được chủ đầu tư chấp thuận là nhà thầu phụ, nghĩa là đã đầy đủ điều kiện để chứng minh nhà thầu Y đã vi phạm hành vi chuyển nhượng thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.

Ý kiến của tổ chuyên gia: Hợp đồng mà nhà thầu Y ký với nhà thầu X mặc dù đã vi phạm hành vi chuyển nhượng thầu, nhưng việc chuyển nhượng thầu lỗi thuộc về nhà thầu Y không thuộc trách nhiệm của nhà thầu X. Thực tế, nhà thầu X đã hoàn thành trách nhiệm với nhà thầu Y đúng theo hợp đồng đã ký (biên bản nghiệm thu, hóa đơn GTGT xuất cho nhà thầu Y phần khối lượng theo hợp đồng), như vậy nhà thầu X đã thực hiện hợp đồng này với tư cách là nhà thầu phụ đúng căn cứ theo quy định tại Khoản 36, Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013: "Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính", hợp đồng đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu về giá trị và tính chất tương tự, do đó nhà thầu X được đánh giá là đạt yêu cầu về việc thực hiện hợp đồng tương tự

Ý kiến của đơn vị thẩm định: Hợp đồng mà nhà thầu Y ký với nhà thầu X đã vi phạm hành vi chuyển nhượng thầu, do đó hợp đồng mà nhà thầu X cung cấp phải loại bỏ và không được xem xét, do đó nhà thầu X không được đánh giá là đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu về việc thực hiện hợp đồng tương tự với vai trò nhà thầu phụ.

Ông Nguyễn Nghĩa Thông (Sóc Trăng) hỏi, hai ý kiến trên ý kiến nào là đúng?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 36, Điều 4 Luật Đấu thầu quy định nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu theo hợp đồng được ký với nhà thầu chính.

Khoản 8, Điều 89 Luật Đấu thầu quy định một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là nhà thầu chuyển nhượng cho nhà thầu khác phần công việc thuộc gói thầu có giá trị từ 10% trở lên hoặc dưới 10% nhưng trên 50 tỷ đồng (sau khi trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ) tính trên giá hợp đồng đã ký kết; chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận để nhà thầu chuyển nhượng công việc thuộc trách nhiệm thực hiện của nhà thầu, trừ phần công việc thuộc trách nhiệm của nhà thầu phụ đã kê khai trong hợp đồng.

Theo đó, việc đánh giá nhà thầu có hành vi chuyển nhượng thầu hay không thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.

Chinhphu.vn