In bài viết

Khi nào thì bị xử lý kỷ luật sa thải?

(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công đề nghị hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc áp dụng xử lý kỷ luật khi người lao động tự bỏ việc và vi phạm nội quy lao động.

17/01/2017 09:02
Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dệt may với trên 5.000 công nhân. Hàng tháng, Công ty đều xảy ra tình trạng công nhân tự ý bỏ việc. Công ty hỏi, Công ty có thể ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không tổ chức xử lý sa thải người lao động có được không?

Hàng tháng, Công ty có khoảng 20 trường hợp người lao động vi phạm nội quy, bị xử lý kỷ luật khiển trách. Với hình thức xử lý kỷ luật này, Công ty có thể không tổ chức họp xử lý kỷ luật mà chỉ lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Chấp hành công đoàn và người lao động có được không?

Công ty còn có trường hợp người lao động có đơn xin thôi việc, nêu rõ thời điểm nghỉ việc. Tuy nhiên, sau đó người lao động lại từ nghỉ việc trước thời điểm nêu trong đơn. Vậy, những trường hợp này Công ty có được áp dụng Điều 43 Bộ luật Lao động về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật để yêu cầu người lao động bồi thường không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 126 của Bộ luật Lao động, người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng thì bị xử lý kỷ luật sa thải. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Theo Khoản 2, Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một một số nội dung của Bộ luật Lao động, cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 điều này. Trường hợp người sử dụng lao động đã 3 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4, Điều 123 của Bộ luật Lao động.

Điều 123 Bộ luật Lao động, Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định, khi tiến hành xử lý kỷ luật người lao động vi phạm thì người sử dụng lao động phải tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật lao động.

Căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công thực hiện xử lý kỷ luật người lao động vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Xác định trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật

Đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động, các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại Điều 37, 38 và 39 của Bộ luật Lao động.

Tại Điều 37 Bộ luật Lao động quy định, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước, thời hạn báo trước căn cứ vào lý do và loại hợp đồng lao động mà người lao động đã ký kết với người sử dụng lao động.

Đề nghị Công ty căn cứ các quy định nêu trên và loại hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động để xác định trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật của người lao động.

Chinhphu.vn