In bài viết

Khí phách Nam Bộ những ngày đầu kháng chiến

(Chinhphu.vn) - Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồng bào Nam Bộ đã tỏ rõ khí phách anh hùng bất khuất, vừa dũng cảm đánh giặc, vừa mưu trí, sáng tạo xây dựng lực lượng và cơ sở, tạo thế trận kháng chiến lâu dài.

18/12/2016 14:46

Nhân dân Nam Bộ ngăn sông đánh giặc. Ảnh tư liệu (Báo QĐND)

Chủ trương “Kinh tế chiến”, “Giao thông chiến” cầm chân giặc

Theo Lịch sử Kháng chiến Nam Bộ, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng thực dân Pháp lại cố tìm cách thủ tiêu thành quả cách mạng của nhân dân ta.

Ngày 23/9/1945, Pháp gây hấn tại Sài Gòn với mưu toan cướp nước ta một lần nữa.

Đứng trước sự tồn vong của dân tộc, tối ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, quân và dân các tỉnh miền Nam đã đồng loạt tổ chức nhiều trận “kinh tế chiến”, “giao thông chiến”, giam chân gần 50.000 quân viễn chinh Pháp tại vùng tạm chiếm, góp phần làm phá sản kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của giặc, chặn bước tiến của thực dân Pháp âm mưu tiến ra miền Bắc.

Trong những ngày hào hùng ấy, lực lượng vũ trang Chiến khu 8, Chiến khu 9 (nay là Quân khu 9) đã làm nên nhiều chiến thắng vang dội.

Tại tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), ngày 22/1/1947, trên lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A), lực lượng vũ trang Chiến khu 8 đã tổ chức trận phục kích giao thông, làm nên chiến thắng Cổ Cò vang dội, loại khỏi vòng chiến đấu 170 tên địch, phá huỷ 14 xe quân sự, thu 100 súng các loại.

Chiến công nối tiếp chiến công, đầu năm 1947, trên mảnh đất huyện Châu Thành, lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Hậu Giang) đã làm nên chiến công Tầm Vu 3, làm nức lòng quân và dân cả nước.

Cùng với đẩy mạnh phục kích, chặn cắt giao thông, lực lượng vũ trang các tỉnh miền Nam cũng tích cực tổ chức chống địch càn quét, lấn chiếm, quyết tâm bảo vệ vùng giải phóng.

Ngày 23/1/1947, ở Bến Tre, quân chủ lực và dân quân du kích địa phương đã đẩy lùi cuộc hành quân lấn chiếm của địch vào 3 xã: Tân Hào Đông, Thạnh Phú Đông, Long Mỹ, diệt đại bộ phận quân địch, phá hủy 1 xe thiết giáp…

Riêng tại thành phố Sài Gòn, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và đáp Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ngày 20/12/1946, 13 đội tự vệ thành và các đội cảm tử đồng loạt nổ súng, khiến cho thực dân Pháp và tay sai nhiều phen khiếp vía…

Biểu dương tinh thần kháng chiến anh dũng của quân và dân miền Nam, nhân 100 ngày toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ gửi thư khen ngợi: “Trong cuộc kháng chiến cứu nước này, đồng bào Nam Bộ phấn đấu đã lâu, hy sinh đã nhiều. Nhưng càng hy sinh, đấu tranh, đồng bào ta càng kiên quyết, dẻo dai, mạnh mẽ".

Theo ông Võ Anh Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, hàng nghìn trí thức Sài Gòn đã rời bỏ thành thị về chiến khu cách mạng. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Rời bỏ thành thị, tìm về chiến khu

Đến nay, dù 70 năm đã trôi qua nhưng thời khắc lịch sử những ngày miền Nam ra sức đấu tranh, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thiêng liêng của Bác vẫn in sâu trong lòng những bậc lão thành cách mạng.

Ông Võ Anh Tuấn (năm nay 90 tuổi) - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Pháp khẳng định, trong bối cảnh kháng chiến miền Nam bước vào giai đoạn khó khăn, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phát huy tối đa ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường mà còn trực tiếp cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước nồng nàn của đồng bào Nam Bộ.

Hưởng ứng Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, nhiều địa chủ lớn ở phía Nam đã giác ngộ cách mạng.

Ông Cao Triều Phát, một địa chủ lớn ở tỉnh Bạc Liêu, đã tự nguyện hiến 5.000 mẫu ruộng ủng hộ cách mạng, ủng hộ nhân dân.

Còn tại thành phố Sài Gòn, hàng nghìn người dân đủ mọi tầng lớp đã rời bỏ cuộc sống tiện nghi chốn thành thị để ra vùng tự do. Trong đó có nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương...

Trong hồi ức của ông Võ Anh Tuấn, bầu không khí tại Sài Gòn sau ngày 19/12/1946 vắng vẻ, tĩnh lặng. Nhiều tuyến đường không bóng người qua lại; hàng loạt khu công sở, trường học bị bỏ hoang; cả nghìn ngôi nhà đóng chặt cửa vì người dân rời về khu kháng chiến.

Số liệu thống kê sau này cũng cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 1947 đã có 6.000 viên chức và 1.000 thợ chuyên môn tìm ra chiến khu. Những người còn ở lại thành phố, tuy bị địch o ép nhưng vẫn một lòng hướng về kháng chiến, vận động quyên góp tiền bạc, thuốc men, máy móc, dụng cụ... gửi ra vùng tự do phục vụ chiến đấu.

Ông Nguyễn Trọng Xuất - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định vẫn nhớ như in bầu không khí sôi sục khi quân dân Mỹ Tho-Gò Công hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Ông Nguyễn Trọng Xuất (năm nay 85 tuổi) - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định vẫn nhớ như in bầu không khí sôi sục khi quân dân Mỹ Tho-Gò Công hăng hái hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ.

“Lúc đó có rất nhiều người tình nguyện xin vào đội cảm tử đánh Tây. Ai nấy đều tỏ rõ ý chí sẵn sàng hy sinh vì tự do, độc lập”, ông Xuất cho biết.

Theo lời ông kể, ngày ấy mảnh đất này bị giặc Pháp chiếm đóng. Bọn chúng ra ức đàn áp đồng bào, lùng sục tìm diệt quân kháng chiến… gây nhiều tội ác. Hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ, quân và dân Mỹ Tho-Gò Công như được tiếp thêm sức mạnh, vùng lên đấu tranh mạnh mẽ.

Khắp nơi, từ Gò Công cho đến Cổ Cò (Cái Bè), Giồng Dứa (Châu Thành), Tân Thành… nổ ra hàng loạt trận đánh ác liệt. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, cùng khí phách anh hùng bất khuất, quân dân Mỹ Tho-Gò Công lập nhiều chiến công vang dội, gây tổn thất lớn cho giặc.

Phan Hoàng