Khoản 11 Điều 7 và Điều 52 Luật Cán bộ, Công chức 2008 quy định: Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ. Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức, công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.
Theo Điều 39 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, trong đó Khoản 1 Điều này được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 93/2010/NĐ-CP (tình trạng còn hiệu lực), hướng dẫn chế độ, chính sách đối với công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái như sau:
Trường hợp công chức được điều động, luân chuyển đến vị trí công tác khác không phù hợp với ngạch công chức hiện giữ thì phải chuyển ngạch theo quy định tại Điều 28 Nghị định này và thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm kể từ ngày có quyết định điều động, luân chuyển.
Trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 6 tháng.
Trường hợp công chức được luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển.
Công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Chế độ phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội
Ngày 1/7/2011, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, hướng dẫn thực hiện một số chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị xã hội và tiền lương của Hội Cựu chiến binh Việt Nam theo Thông báo số 13-TB/TW ngày 28/3/2011 của Bộ Chính trị (tình trạng còn hiệu lực).
Theo Mục I Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW, chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị xã hội được áp dụng đối với cán bộ, công chức, người lao động làm việc ở các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bao gồm:
Các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng: văn phòng, tổ chức, dân vận, tuyên giáo, đối ngoại và các đảng uỷ trực thuộc từ Trung ương đến cấp huyện.
Các cơ quan: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến cấp huyện.
Mức phụ cấp: Bằng 30% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Nguyên tắc thực hiện: Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thời gian không được tính hưởng phụ cấp
Thời gian không được tính hưởng phụ cấp bao gồm :
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Thời gian cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam, tạm đình chỉ công tác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Khi thôi công tác (làm việc) ở cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp (từ Trung ương đến cấp huyện) thì thôi hưởng phụ cấp từ tháng tiếp theo.
Do đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp công tác đảng, đoàn thể là cán bộ, công chức làm việc ở các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện (không áp dụng với cấp xã), căn cứ quy định tại Điểm c, Khoản 3, Mục I Hướng dẫn số 05-HD/BTCTW ngày 1/7/2011 của Ban Tổ chức Trung ương, về nguyên tắc, khi cán bộ, công chức thôi công tác, làm việc ở cơ quan đảng, đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện, luân chuyển tới cấp xã thì thôi hưởng phụ cấp công tác đảng, đoàn thể từ tháng tiếp theo.
Các chế độ, chính sách khác (trong đó có chế độ phụ cấp chức vụ) đối với cán bộ, công chức được luân chuyển áp dụng Điều 39 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 93/2010/NĐ-CP.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.