In bài viết

Kho bạc Nhà nước đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

(Chinhphu.vn) - Từ nay đến cuối năm, Kho bạc Nhà nước sẽ nâng cấp thêm 2 dịch vụ công đang ở mức độ 2, 3 lên mức độ 4 để đạt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

24/11/2021 15:36

Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước
Với mục tiêu xây dựng Kho bạc Nhà nước (KBNN) hiện đại, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, đến nay KBNN đã cơ bản hoàn thành triển khai và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tới các đơn vị sử dụng ngân sách trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời phối hợp với các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ để tích hợp dịch vụ công trực tuyến của KBNN lên Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Cục Công nghệ thông tin (KBNN), để hoàn thành thực hiện được các công việc này, trong thời gian qua KBNN đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn tại Trung ương và các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống nghiên cứu rà soát, xây dựng, sửa đổi cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ; xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin; tập trung cải tiến, hoàn thiện chức năng phần mềm ứng dụng, tăng cường hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng triển khai cho khoảng 95.000 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia hệ thống với lượng chứng từ giao dịch hàng ngày từ 150.000 đến 200.000 chứng từ.

Hiện KBNN cũng đã xây dựng và cung cấp ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động, cho phép chủ tài khoản, kế toán trưởng của đơn vị giao dịch có thể nhận, tra cứu thông tin về biến động số dư tài khoản, trạng thái xử lý hồ sơ giao dịch qua điện thoại thông minh.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã hình thành thêm kênh giao dịch điện tử của KBNN, là một bước tiến lớn trong việc hình thành kho bạc điện tử.

Đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân là khách hàng của KBNN, dịch vụ công trực tuyến mang lại lợi ích trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính và hiện đại hóa hoạt động của đơn vị, tổ chức, cá nhân khi không phải mang hồ sơ, chứng từ trực tiếp đến trụ sở cơ quan KBNN, qua đó giảm thời gian giao dịch, tiết kiệm chi phí đi lại.

Giao dịch điện tử của KBNN còn góp phần tăng tính minh bạch trong cung cấp các thông tin liên quan về thủ tục hành chính, dữ liệu cũng như tiến độ giải quyết xử lý hồ sơ… lấy người dân, doanh nghiệp, đơn vị làm trung tâm phục vụ, từ đó tăng khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đáp ứng được các chủ trương định hướng chiến lược, các hạng mục nghiệp vụ theo cấu trúc hệ thống Chính phủ điện tử.

Đặc biệt, trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã phát huy được vai trò cũng như chức năng, giúp hệ thống KBNN thực hiện tốt 2 mục tiêu kép là giãn cách xã hội và đảm bảo hoạt động thông suốt. Khách hàng không phải tập trung tại KBNN mà vẫn thực hiện giao dịch thanh toán chi ngân sách Nhà nước bình thường thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Theo kế hoạch, KBNN sẽ nâng cấp các dịch vụ công còn lại đang ở mức độ 2, 3 lên mức độ 4 trong năm 2021, qua đó sẽ hoàn thành 100% thủ tục hành chính được cung cấp qua dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Đồng thời KBNN cũng sẽ mở rộng triển khai kết nối liên thông hệ thống kế toán hành chính-sự nghiệp với hệ thống dịch vụ công trực tuyến để hình thành liên thông điện tử giữa đơn vị với KBNN; kết nối điện tử với các nhà cung cấp điện, nước, viễn thông nhằm thanh toán định kỳ, theo lô với các khoản chi theo hóa đơn của nhà cung cấp và ủy quyền của đơn vị quan hệ ngân sách.

Bên cạnh đó, KBNN cũng sẽ nghiên cứu cơ chế nghiệp vụ và triển khai liên thông dữ liệu hợp đồng điện tử và hồ sơ chi ngân sách Nhà nước giữa dịch vụ công trực tuyến của KBNN với mạng đấu thầu quốc gia.

Thùy Linh