In bài viết

Khó khăn công tác y tế học đường

Khám bệnh cho học sinh tiểu học.

07/12/2011 08:35

Tỉnh Kon Tum có 259 trường với hàng ngàn học sinh, hằng năm khoảng 95% các trường xây dựng kế hoạch y tế học đường, 65% trường phối hợp cơ sở y tế khám sức khỏe đầu năm và định kỳ cho học sinh. Song, công tác y tế học đường tại hầu hết các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum gặp nhiều khó khăn.

Thiếu về cơ sở vật chất

Năm học 2011-2012, phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hồi thực hiện thí điểm về tăng cường công tác y tế học đường ở 6 điểm trường trên tổng số 35 trường trực thuộc, song khám sức khỏe cho học sinh vẫn còn thiếu đồng bộ, nhiều trường vẫn chưa tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Bà Y Phụng - Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hồi lý giải khó khăn của công tác y tế học đường trên địa bàn do mình quản lý:”Kinh phí dành cho y tế học đường ở các điểm trường còn rất thiếu nên chưa triển khai mạnh mẽ”. Không những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất thiếu yếu phục vụ sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh tại các điểm trường vẫn còn rất thiếu. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó hiệu Trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi cho rằng:”Các loại thuốc thông thường dùng điều trị các bệnh thông thường cho học sinh còn rất thiếu thốn, nhất là thiếu các trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh ban đầu”.
Chưa có nguồn lực con người
Điều đáng lo ngại hơn, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế học đường đều không có kiến thức chuyên môn, chưa được đào tạo trình độ chuyên môn về y học nhưng lại được giao nhiệm vụ y tế học đường. Nhiều người được đào tạo kế toán, văn thư, thủ quỹ, giáo viên… lại được giao nhiệm vụ kiêm thêm công tác y tế học đường. Hệ lụy của vấn đề này sẽ gây nên những hậu quả khôn lường, nhất là việc sơ, cấp cứu ban đầu cho học sinh. Bởi ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiếu động, có thể bị té ngã bất thường, nếu không cấp cứu, sơ cứu tốt sẽ để lại các hậu quả đáng tiếc.
Cả huyện Ngọc Hồi có đến 35 điểm trường, nhưng chỉ duy nhất một điểm trường có cán bộ chuyên trách công tác y tế, còn lại hầu hết do giáo viên kiêm nhiệm. Thầy giáo Đỗ Văn Kiên giáo viên trường Tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi không được đào tạo chuyên ngành y học nhưng phải “bất đắc dĩ” kiêm nhiệm y tế học đường cho trường tiểu học này. Thầy Kiên than vãn:”Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác kiêm nhiệm y tế học đường. Vì tôi không được đào tạo chuyên môn bên y tế nên công việc là bán chuyên trách nên sơ cứu ban đầu gặp khó khăn. Thuốc được cấp trên cấp nhưng tôi không phải đào tạo chuyên ngành nên không biết sử dụng như thế nào ?”. Không những trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, tại địa bàn thành phố Kon Tum - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Kon Tum thì công tác y tế học được cũng gặp không ít khó khăn. Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, TP. Kon Tum là ngôi trường đạt chuẩn quốc gia vẫn chưa có cán bộ chuyên trách công tác tế học đường.
Bà Bùi Thị Chí Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng - cho biết:” Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đạt chuẩn mức độ 1 năm 2002 nhưng vẫn chưa có biên chế nhân viên y tế. Công tác y tế học đường do giáo viên kiêm nhiệm. Giáo viên chỉ được tập huấn thông qua các tài liệu do cấp trên phát về nên kiến thức và kỹ năng còn rất hạn chế”. Trong khi đó, nhân viên y tế về công tác tại các điểm trường thì không phát huy chuyên môn, nghiệp vụ; thu nhập thấp nên không đủ điều kiện trang trải cuộc sống hằng ngày nên họ chuyển sang công tác tại các lĩnh vực khác cho thu nhập cao hơn.
Trong khi đó, hiện nay các bệnh vệ tật khúc xạ ánh sáng, vẹo cột sống… ở trẻ em đang có chiều hướng ngày càng gia tăng thì công tác y tế ở các trường học không thể xem nhẹ !
Bài, ảnh: Hương Trà