Mô hình cầu Thịnh Long. Ảnh: Báo Giao thông |
Dự án xây dựng cầu Thịnh Long do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.158 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam và dự kiến hoàn thành hơn 2 năm.
Cầu Thịnh Long có tổng chiều dài trên 2,3 km, điểm đầu giao cắt với Quốc lộ 21 tại Km 202 400 (thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu), điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 490C tại khoảng Km 40 698,42 (thuộc địa phận xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng).
Cầu rộng 12 m gồm hai làn xe cơ giới (mỗi làn 3,5 m); hai làn xe thô sơ (mỗi làn 2m) và lan can mỗi bên cầu rộng 0,5m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.
Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu là công trình quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của Nam Định và các tỉnh trong khu vực.
Đây là khu vực có nhiều dự án lớn đã và đang triển khai như Khu Công nghiệp dệt may Rạng Đông, Nhà máy đóng tàu, cảng biển Thịnh Long nằm gần cửa biển Lạch Giang (được quy hoạch là cảng nước sâu), Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I, khu nghỉ mát Thịnh Long...
Khi đưa vào sử dụng, cầu Thịnh Long sẽ kết nối giao thông khu vực; từng bước hoàn thành kết cấu hệ thống giao thông tỉnh Nam Định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, phòng chống lụt bão, khơi dậy tiềm năng kinh tế biển của tỉnh.
Đặc biệt, tuyến vận tải từ thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đi thành phố Nam Định sẽ rút ngắn khoảng 10 km so với hiện nay do không phải đi vòng qua cầu Lạc Quần.
Cầu Thịnh Long cũng sẽ nâng cao khả năng kết nối với các tỉnh trong khu vực trên tuyến đường ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, tiết kiệm chi phí cho các phương tiện vận tải…