HNP - Sáng 8/6, tại khu vực đền Thượng, thuộc quần thể di tích Tản Viên Sơn Thánh (vườn Quốc gia Ba Vì), UBND TP Hà Nội đã tổ chức lễ khởi công dự án tu bổ, tôn tạo di tích Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh). Dự lễ khởi công có Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh; Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình; Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của TP.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác bảo vệ di sản, UBND TP Hà Nội huy động các doanh nghiệp phát tâm công đức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Tản Viên Sơn Thánh. Dự án đã nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó, Công ty Vinaconex là đơn vị lập đồ án quy hoạch chi tiết 1/2000 và làm chủ đầu tư công trình tu bổ đền Trung với các hạng mục như: phục dựng lại các công trình di tích theo kiến trúc vốn có, mở rộng khuôn viên xung quanh đền; bố trí 1 sân lễ hội hình chữ nhật làm nơi tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn đức Thánh Tản... nguồn kinh phí dành cho các hạng mục này khoảng 38 tỷ đồng. Tập đoàn Him Lam dành 30 tỷ đồng tu bổ đền Hạ với các hạng mục như giải phóng mặt bằng khu vực bảo vệ 1 và 2, khôi phục lại các công trình theo kiến trúc hiện tại, trồng cây xanh...Mái bê tông cốt thép của đền Thượng không phù hợp với cảnh quan của di tích sẽ được thay thế, diện tích chật hẹp sẽ được mở rộng lên gần 10 ha... với kinh phí 20 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng Bình Minh đảm nhiệm.
So với những lần trùng tu trước thì đây là lần trùng tu lớn nhất với tổng diện tích lên tới 3,2 ha, trong đó khu vực khuôn viên đền Hạ là 1,5 ha, đền Trung là 1,15 ha, đền Thượng là 0,37 ha, tổng diện tích xây dựng là 3.642m2. Một con đường từ đền Hạ lên đền Trung, dài 5,5 km cũng sẽ được xây dựng để du khách từ Hà Nội có thể đi tham quan khu di tích theo đường sông Đà đến viếng đền Hạ, rồi lên đền Trung và đền Thượng. Toàn bộ kinh phí tu bổ, tôn tạo dự kiến lên tới gần 150 tỷ đồng và được huy động toàn bộ từ nguồn xã hội hóa.
Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển yêu cầu các chủ đầu tư, UBND huyện Ba Vì nghiêm túc thực hiện dự án theo quy hoạch đã được duyệt và theo các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa của di tích tới các tầng lớp nhân dân. Phó Chủ tịch cũng kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ, cùng chung tay với TP để bảo vệ và phát huy các giá trị của quần thể di tích đền thờ Đức Thánh Tản.
Khu di tích Lịch sử đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm 3 ngôi đền (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ) nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh - vị thần đứng đầu Tứ bất tử của Việt Nam và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công). Cụm di tích đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 21/2/2008.
|
Đền Thượng sẽ được đầu tư mở rộng khuôn viên lên 0,37ha |
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào xác định được đền Thượng có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo gồm 3 gian, 2 chái, một nửa mái sau đền là vách đá. Hai bên tường hồi có hai vòng tròn sắc không đối diện nhau, mô phỏng biểu tượng của nhà Phật. Đền Trung tọa lạc ở lưng chừng núi Ba Vì cũng không rõ năm xây dựng. Đền có kiến trúc kiểu chữ Tam, phỏng quẻ Càn trong Kinh dịch, biểu tượng của sự bền vững. Hậu cung của đền đặt ba pho tượng Tam vị Đức Thượng đẳng. Đây là ngôi đền có vị thế đẹp nhất trong các ngôi Đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì. Theo Ngọc phả "Sự tích Đức Thánh Tản” lưu giữ tại Đền Và thì đầu thế kỉ 18 đã có Đền Hạ. Đền có ba dãy nhà ngang với nhiều hạng mục lớn như cổng tam quan, đại bái, tiền tế, hậu cung, nhà thờ Mẫu. Đền Hạ có hai pho tượng Hộ pháp dáng oai phong, tay cầm giáo trấn giữ hai bên. Trên mái cổng Tam quan có lưỡng long chầu nguyệt, hai tầng, tám mái đao cong, lợp ngói ri.
Ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết: Trong tổng số 340 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Ba Vì có tới 75 di tích thờ đức Thánh Tản. Trung bình, mỗi năm, hệ thống di tích thờ Tản Viên đón trên 10 vạn lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Thế nhưng, các di tích đều nằm ở những điểm xa dân cư và chưa có quy hoạch rõ ràng, chi tiết, các di tích đã bị xuống cấp theo thời gian, khuôn viên chật hẹp… nên chưa phát huy tốt giá trị, nhất là giá trị kinh tế. Do đó, việc các doanh nghiệp phát tâm công đức để thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh sẽ mở ra cơ hội mới cho du lịch Ba Vì phát triển, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh. Huyện Ba Vì sẽ coi việc khai thác giá trị của các di tích để phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong những năm tiếp theo. Đây cũng là kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của xã Ba Vì và Minh Quang.
Trọng Toàn