Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Ngày 20/4, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Dịch thuật và Phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, các viện nghiên cứu, đại diện Đại sứ quán các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan; đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo một số tỉnh thành; các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, coi đây là “quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng” để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, do đó, cần ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển khoa học và công nghệ.
Khi nói về khoa học và công nghệ, mọi người, nhất là giới trẻ thường nghĩ đến máy tính, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo,… Tuy nhiên khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị, quản lý,… cũng có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Dẫn câu nói của người xưa “một người hay lo bằng kho người hay làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, việc làm ra của cải vật chất là rất quan trọng, nhưng xét cho cùng, làm ra của cải vật chất phải hướng tới làm cho cuộc sống của mỗi người hạnh phúc hơn, xã hội tốt đẹp hơn.
Chính vì thế, Chính phủ đã và đang chỉ đạo 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ đặc đặc biệt cấp quốc gia, bao gồm: Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam (Quốc sử); Bách khoa Toàn thư Việt Nam; Địa chí Quốc gia Việt Nam (Quốc chí); Dự án Dịch thuật và Phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông (còn gọi là Dự án Kinh điển Phương Đông) và Hệ tri thức Việt số hóa. Đây là những dự án mang tầm vóc quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho hôm nay và mai sau.
Phó Thủ tướng chúc mừng các thành viên Ban Chủ nhiệm kiêm Hội đồng Biên tập dự án. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Các tác phẩm Kinh điển Phương Đông được du nhập vào Việt Nam từ khoảng đầu Công nguyên và không ngừng phát triển qua các thời kỳ lịch sử. Những tác phẩm kinh điển này là kết tinh trí tuệ, triết lý nhân sinh cao sâu của các nhà tư tưởng, văn hóa kiệt suất của nhân loại, phản ánh lịch sử, xã hội và con người Phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, sau khi được du nhập vào nước ta, các tác phẩm kinh điển phương Đông đã được dung thông, chuyển hóa, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, góp phần tạo lập nên hồn cốt dân tộc, nền tảng tư tưởng và văn hóa của con người Việt Nam. Trong đó, có những di sản đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa của nhân loại.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Dự án Kinh điển Phương Đông là dự án có ý nghĩa đặc biệt, bởi khi thực hiện nó sẽ phát huy được các giá trị tinh hoa văn hóa, qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu, định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phục vụ công cuộc phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Khẳng định, dự án này không chỉ có ý nghĩa về khoa học, văn hóa,.. mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy các giá trị tốt đẹp Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu văn hóa với các nước, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các cá nhân tham gia dự án cần thực hiện tốt việc dịch, chú giải để đưa tri thức đến với công chúng một cách thỏa đáng; không chỉ dịch các tác phẩm từ Việt Nam mà còn dịch các tác phẩm đến từ các quốc gia khác; bảo đảm các tác phẩm được biên soạn và phục vụ cho các đối tượng nghiên cứu, mang tính hàn lâm, vừa đáp ứng nhu cầu phổ quát của đông đảo người đọc.
Phó Thủ tướng chia sẻ thêm, trong 5 dự án đang được Chính phủ chỉ đạo có 3 dự án được ngân sách nhà nước đầu tư; còn lại 2 dự án (Kinh điển Phương Đông; Hệ tri thức Việt số hóa) Nhà nước không đầu tư mà sử dụng nguồn tài chính từ xã hội hóa.
Theo Phó Thủ tướng, thực hiện xã hội hóa, không phải là vì Chính phủ không có tiền, mà là vì Chính phủ mong muốn đây là dự án chung của tất cả những người yêu mến Việt Nam ở trong và ngoài nước, cùng đóng góp tâm sức, tấm lòng để tạo ra một di sản lớn dùng chung cho con mọi người, qua đó, Phó Thủ tướng hoan nghênh sự vào cuộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các doanh nghiệp, các nhà khoa học; đồng thời cho biết, ông sẽ cùng mọi người chung tay, góp sức thực hiện thành công dự án này và cùng với các dự án trước đó, chúng ta sẽ có hệ thống các tác phẩm quý phục vụ cho hôm nay và để lại cho muôn đời sau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
* Được biết, cả 5 chương trình, dự án khoa học và công nghệ Chính phủ đang chỉ đạo đều có sự tham gia tích cực và cơ bản của đội ngũ các nhà khoa học của ĐHQGHN. Trong đó, ĐHQGHN chủ trì hai dự án lớn là Địa chí Quốc gia Việt Nam và Dự án Kinh điển Phương Đông.
Theo ĐHQGHN, Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo là ba dòng tư tưởng – tôn giáo lớn trong văn hóa Phương Đông. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều tác phẩm Phật, Nho, Đạo đã khẳng định được sức sống trường tồn qua thời gian và không gian, thường xuyên được tái thông diễn, được giải thích lại để đem đến những giá trị mới cho từng thời đại, từng quốc gia, từng khu vực, thậm chí là cho cả thế giới. Trong tiến trình phát triển lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của tam giáo, song cho đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một bộ Đại tạng Kinh Phật giáo hay một bộ Kinh điển Nho gia và Đạo gia nào được dịch thuật đầy đủ. Các tác phẩm điển tịch của các nhà tu hành Việt Nam viết cũng chưa được tập hợp, dịch và giới thiệu đầy đủ. Từ thực tiễn đó, ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ giao thẩm định, phê duyệt, chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ: Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông. Đây là dự án có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn, có giá trị thời đại, giá trị dân tộc và nhân văn đặc biệt quan trọng.
Với tầm vóc lớn lao của nhiệm vụ dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển Phương Đông, ĐHQGHN đã giao Viện Trần Nhân Tông, một cơ sở nghiên cứu mang tính học thuật cao và là đơn vị thành viên của ĐHQGHN do Thủ tướng ký quyết định thành lập, để triển khai dự án.
Dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước mà sẽ huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hằng năm, dự án sẽ lên kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thành phần, phù hợp với nguồn ngân sách được huy động./.
Trần Mạnh