Lễ bấm nút khởi động hệ thống nhiệt. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Kết cấu bể chứa và xử lý được xây dựng trong khu vực sân bay hiện chứa 45.000 m3 đất và bùn ô nhiễm. Đất và bùn ô nhiễm sẽ được nung nóng tới nhiệt độ tối thiểu là 335 độ C. Khi đất và bùn ô nhiễm được nung nóng, khoảng 95% dioxin sẽ bị phân hủy trong kết cầu này. Bất kỳ lượng dioxin nào không bị phân hủy trong kết cấu xử lý đều được thu gom dưới dạng lỏng hoặc hơi và được xử lý trước khi đưa trở lại môi trường. Chất lỏng và hơi đã qua xử lý sẽ được phân tích để đảm bảo các hợp chất hóa học có trong đó, bao gồm cả dioxin, đạt ngưỡng an toàn.
Công tác đào xúc giai đoạn 2 đã được bắt đầu tháng 2/2014 và công tác xử lý giai đoạn 2 sẽ được tiến hành sau đó. Chính phủ hai nước dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016.
Phát biểu tại lễ bấm nút khởi động, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh, dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng có ý nghĩa rất đặc biệt. Dự án này đã khắc phục hậu quả quá khứ, mở con đường đến tương lai tốt đẹp giữa hai nước.
Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác về các vấn đề liên quan đến chất da cam từ năm 2000. Hỗ trợ của Hoa Kỳ trong lĩnh vực xử lý môi trường và y tế đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng tại Quốc hội Hoa Kỳ. Đặc biệt, Thượng nghị sĩ Patrich Leahy thuộc bang Vermont đã vận động và ủng hộ mạnh mẽ cho nỗ lực xử lý dioxin nhằm giúp giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh và thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Được biết, khu vực sân bay Đà Nẵng được coi là “điểm nóng” dioxin do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn, đất còn sót lại. Được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, năm 2011, Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng phối hợp thực hiện dự án xử lý môi trường tại sân bay Đà Nẵng nhằm mục tiêu tẩy sạch dioxin và qua đó loại bỏ nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cộng đồng xung quanh.
Lưu Hương