In bài viết

Khởi động lại 16 trạm cấp nước sạch nông thôn

HNP - Sáng 20/4, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành về tình hình triển khai Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội giai đoạn 2009 - 2020; xem xét, tháo gỡ khó khăn nhằm khởi động lại 16 trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn TP.

20/04/2011 18:58
Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hà Nội, sau 2 năm triển khai Chương trình, việc cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn TP đã từng bước được cải thiện, ý thức người dân trong việc đầu tư xây dựng, sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh từng bước được nâng cao. Tính đến hết năm 2010, 84% dân số nông thôn trên địa bàn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, hầu hết các xã đã quy hoạch các điểm tập kết rác thải, tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý đạt 74,4%; 71,2% công trình nhà tiêu của các hộ gia đình nông thôn đạt tiêu chuẩn hợp vệ sinh; 59,2% số chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải…

Về cấp nước sạch, trong năm 2010, TP tiếp tục đầu tư cho các dự án cấp nước sạch chuyển tiếp tại các xã Liên Bạt và Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) với tổng số vốn 9,1 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư dự án cấp nước sạch tại thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức). Đối với 16 dự án cấp nước sạch đã triển khai xây dựng nhưng không hoạt động, TP đã thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra thực trạng. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết 16 công trình trên đang thực hiện dở dang, hệ thống công trình đầu mối (nhà điều hành, bể lắng, lọc, bể chứa…) đã bị xuống cấp theo thời gian, đặc biệt ở một số công trình như trạm cấp nước (TCN) thôn Đoan Lữ, xã An Mỹ huyện Mỹ Đức, TCN thôn Kim Tiên xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh hệ thống công trình đầu mối đã hư hỏng hoàn toàn, không có khả năng sửa chữa, cải tạo; một số công trình không huy động được vốn đóng góp của dân để lắp đặt mạng đồng hồ; một số công trình chưa có hệ thống ống dịch vụ… nên dẫn đến tình trạng các TCN này vẫn chưa đi vào hoạt động.

Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra kiến nghị với UBND TP tiếp tục bổ sung kinh phí để hoàn thiện 7 TCN; 3 TCN đề nghị giao cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện theo hình thức xã hội hóa; thanh lý tài sản đối với 2 TCN và 4 TCN đã được UBND TP giao có các doanh nghiệp thực hiện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.

Sau khi nghe ý kiến của các doanh nghiệp, các địa phương và sở ngành về từng dự án cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng đánh giá chương trình cấp nước sạch nông thôn nhìn chung triển khai vẫn chậm và chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ngoài nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan: đó là sự phối hợp giữa các địa phương với các sở, ngành còn hạn chế; vai trò của cơ quan tham mưu cho chương trình là Sở NN&PTNT còn mờ nhạt, chưa làm tốt vai trò đề xuất, hướng dẫn địa phương; cơ chế quản lý, điều hành, vận hành, khai thác và sử dụng công trình còn bất cập, thiếu thống nhất; chưa thực hiện triệt để phương châm xã hội hóa trong đầu tư; các địa phương chưa thực sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiêp. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia vào Chương trình còn hạn chế…

Phó Chủ tịch nhấn mạnh, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một vấn đề bức xúc của toàn xã hội nói chung và của TP Hà Nội. Thời gian qua, TP đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư, bố trí nguồn lực cho các dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Thời gian tới, Phó Chủ tịch yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cấp, cải tạo, tu sửa, mở rộng quy mô, làm sống lại 16 trạm cấp nước sạch nông thôn đã được TP đầu tư xây dựng. Về nguồn vốn thực hiện sẽ tiếp tục áp dụng phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó sẽ có vốn ngân sách, vốn của các doanh nghiệp và do nhân dân đóng góp. Phó Chủ tịch cho biết TP sẽ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đăng ký thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn, đảm bảo đầu tư đồng bộ, công nghệ tiên tiến, chất lượng nước… Giao Sở NN&PTNT làm đầu mối, cơ quan tham mưu về Chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, yêu cầu các đơn vị liên quan, các huyện, thị xã nâng cao trách nhiệm, tập trung chỉ đạo để triển khai hiệu quả Chương trình của UBND TP.

Trọng Toàn