In bài viết

Khói mù từ Indonesia lan tới nhiều nước

(Chinhphu.vn) - Ngày 23/10, nhà chức trách Philippines cho biết khói mù do cháy rừng tại Indonesia đã lan tới miền Nam Philippines trong khi giới chức Thái Lan cũng cho biết khói mù gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua tại miền Nam nước này.

23/10/2015 17:01

Các lực lượng dập một đám cháy ở Ogan Ilir, Nam Sumatra - Ảnh: AFP

Theo giới chức hàng không Philippines, đảo Mindanao ở miền Nam nước này nằm cách khu vực cháy rừng gần nhất hơn 1.200 km, song tình trạng khói bụi đã trở nên trầm trọng hơn trong tuần qua.

Kể từ ngày 16/10, đã có 2 chuyến bay nội địa bị hủy và nhiều chuyến tại 10 sân bay ở Mindanao bị hoãn, ảnh hưởng đến hàng nghìn hành khách.

Tại Davao, thành phố lớn nhất của Mindanao, khói mù dày đặc như một đám mây bụi. Sân bay tại khu vực này tiếp nhận 48 chuyến bay mỗi ngày. Tình trạng khói bụi nghiêm trọng đến mức một số phi công không thể nhìn thấy đường băng, do tầm nhìn trong ngày có thời điểm giảm xuống còn 1,2 km so với 10 km lúc bình thường. Việc hoãn các chuyến bay tới đảo Mindanao cũng ảnh hưởng đến hoạt động của sân bay Manila. Với công suất 40 chuyến bay mỗi giờ, việc hoãn chuyến bay đến Mindanao sẽ làm gián đoạn lịch trình các chuyến bay tại sân bay này trong suốt cả ngày.

Tuy không không nghiêm trọng tới mức đưa ra cảnh báo y tế, song người dân đã được khuyến cáo nên đeo mặt nạ khi ra đường.

Trong khi đó, giới chức Thái Lan cho biết khói mù dày đặc từ các vụ cháy rừng tại Indonesia đã gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong một thập kỷ qua tại miền Nam nước này.

Các quan chức Thái Lan cho biết, chất lượng không khí đã giảm xuống mức nguy hại tới sức khoẻ tại 7 tỉnh miền Nam, đặc biệt tỉ lệ này rất cao ở tỉnh Songkhla, miền Tây Nam nước này, khiến một số chuyến bay bị hoãn hoặc không thể hạ cánh.

Sở Môi trường tỉnh Songkhla cho biết đây được coi là cuộc khủng hoảng môi trường tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Gió thổi mạnh tại điểm cháy rừng ở Indonesia nhưng khi tới Thái Lan lại suy yếu khiến khói mù cứ quẩn quanh kéo dài tại khu vực này.

Đầu tháng này, một số chuyến bay chở khách du lịch tới Phuket và Koh Samui đã buộc phải quay lại do khói mù, trong khi nhiều chuyến bay khác buộc phải hoãn lại hoặc chuyển hướng hạ cánh.

Hiện tượng khói mù do cháy rừng, cháy đất làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp. Bộ Y tế Indonesia hôm 19/10 cho biết gần 500.000 người dân nước này đã phải điều trị bệnh hô hấp do không khí bị ô nhiễm.

Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Nila Moeloek, phần lớn người dân ở các tỉnh thuộc Sumatra và Kalimantan bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính (ISPA). Tại Sumatra đã có 1 trẻ sơ sinh tử vong và 19 trẻ khác đang phải điều trị đặc biệt tại các bệnh viện chuyên khoa. Tại quần đảo Riau cũng đã có 4 trường hợp tử vong do nhiễm bệnh đường hô hấp.

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 21/10, Viện Tài nguyên thế giới (WRI) - một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ chuyên về các vấn đề môi trường và phát triển - cho biết trong 44 ngày (kể từ đầu tháng 9), có 26 ngày lượng khí CO2 do cháy rừng thải ra bầu khí quyển của Indonesia đã vượt mức phát thải trung bình mỗi ngày của Mỹ. Nền kinh tế số 1 thế giới hiện là nguồn phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc, trong khi WRI thường xếp Indonesia ở vị trí thứ 5.

An Bình (tổng hợp)