In bài viết

Khối ngoại đẩy mạnh bán ra cổ phiếu

(Chinhphu.vn) – Trong phiên hôm nay, 29/8, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã tạo ra một áp lực cung cổ phiếu rất mạnh trên thị trường, đặc biệt là ở phiên ATC. Thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ tính riêng tại sàn TP. Hồ Chí Minh, khối lượng cổ phiếu được bán ra đã lên tới xấp xỉ 11,5 triệu đơn vị.

29/08/2013 20:29

Ở chiều ngược lại, khối lượng cổ phiếu được khối này mua vào trên HoSE là 2,62 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ trong vòng một phiên, NĐTNN đã bán ròng tới 8,96 triệu đơn vị. Tương tự, tại sàn Hà Nội, khối lượng mua vào (120.800 đơn vị) cũng là một con số rất khiêm tốn nếu so sánh với khối lượng bán ra (1,7 triệu đơn vị).

Thực tế, áp lực bán của NĐTNN không phải dàn trải trong cả phiên mà chủ yếu là được dồn vào phiên giao dịch xác định giá đóng cửa bằng các lệnh bán giá ATC. Khi đó, nhà đầu tư đã cảm thấy hết sức ngạc nhiên do giá dự kiến đóng cửa nhiều cổ phiếu nằm trong nhóm vốn hóa lớn trên thị trường bỗng nhiên rơi về vùng giá sàn. Mặc dù vậy, sự hoảng loạn đã không diễn ra, lực cầu bắt đầu được đưa vào thị trường ở các mức giá thấp đã dần làm giảm bớt sự cách biệt so với lực cung. Nhờ đó, giá đóng cửa của nhóm cổ phiếu này cũng được cải thiện đáng kể so với ít phút trước. 

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index dừng lại tại mức điểm 468,55; giảm 4,75 điểm (1%). Tổng khối lượng cổ phiếu được trao đổi đạt 39,84 triệu đơn vị tương ứng với giá trị 825,07 tỷ đồng. Số mã tăng giá, giảm giá và đứng giá tham chiếu là 82, 111 và 74.

Bên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt phiên tại 60,36 điểm; giảm 0,32 điểm (0,53%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,64 triệu đơn vị tương đương với giá trị 110,66 tỷ đồng. Số cổ phiếu tăng giá, giảm giá và đứng giá tham chiếu là 39, 29 và 139.

Tại nhóm VN30 vẫn có 5 cổ phiếu tăng giá là CTG, OGC, PGD, SBT và STB. Trong số này CTG chính là cổ phiếu có giao dịch đột biến nhất khi tăng tới 500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đạt 1,82 triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, các mã giảm giá bao gồm BVH, PVF, VCB, VIC và VNM. Điểm tích cực nhất đó là dù chịu áp lực lớn như vậy nhưng không một cổ phiếu nào trong nhóm này phải đóng cửa ở giá sàn hoặc “lộ sàn”.

Nếu chỉ so sánh về số lượng mã tăng giá và giảm giá giữa hai nhóm VN30 (5,22) và HNX30 (8,9) thì rất dễ đưa ra nhận định rằng các cổ phiếu thuộc HNX30 giao dịch tích cực hơn hẳn so với VN30. Nhưng thực thực tế, trong khi VN30-Index chỉ giảm 0,97% thì HNX30-Index giảm tới 1,06%. Đó là chưa kể đến việc một số cổ phiếu của HNX30 còn phải đóng cửa ở mức giá sàn (PFL), hoặc sát giá sàn (DCS, IDJ).

Sau phiên hôm nay, VN-Index đã chính thức đi vào vùng kháng cự ở mốc điểm từ 460-470. Và có lẽ cũng chính vì đây là một ngưỡng kháng cự mạnh đã từng vượt qua nhiều lần thử thách thành công nên mặc dù phải chịu một áp lực bán kéo dài của khối ngoại và chứng kiến điểm số dần sụt giảm qua từng phiên nhưng không nhiều người lựa chọn giải pháp bán tháo cổ phiếu.

Theo phân tích của một số chuyên gia thì đó là tín hiệu khá tích cực về mặt tâm lý. Tuy nhiên, việc thanh khoản thị trường phiên tăng phiên giảm thất thường lại cho thấy vẫn còn những yếu tố bất ổn. Đặc biệt, chuỗi bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng sẽ trở thành trở ngại lớn ngăn cản sự phục hồi thị trường. Vì vậy, nhà đầu tư không nên vội vàng đưa ra các quyết định mang tính mạo hiểm cao ở thời điểm này.

                                                                                                                                    Hà Nguyễn