Trước tình hình này, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành phải rà soát cụ thể từng tiêu chí, chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia do WB công bố; phân tích, giải trình về các chỉ số bị xuống hạng và các chỉ số còn ở mức thấp. Từ đó, có kế hoạch, giải pháp cụ thể để cải thiện thứ hạng trong năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2016.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc chỉ số khởi sự kinh doanh tụt hạng là điều rất đáng buồn. |
Trao đổi với Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đơn vị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao giúp Bộ theo dõi tình hình triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, cho biết:
“Với những cải cách trong Luật Doanh nghiệp, chúng tôi rất kỳ vọng là chỉ số khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư thiểu số sẽ “ăn điểm” và tăng hạng mạnh. Nhưng thực tế, trong khi chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số tăng đột phá tới 31 bậc, thì chỉ số khởi sự kinh doanh tụt tới 10 bậc. Đây là điều rất đáng buồn”.
Cụ thể thế nào, thưa ông?
Theo khảo sát của WB, việc khởi sự kinh doanh tại Việt Nam đã tăng thêm 1 thủ tục và mất 5 ngày để thực hiện. Việc tụt bậc, theo tôi, có những nguyên nhân không đáng có, như thủ tục thông báo mẫu dấu. Luật Doanh nghiệp đã bỏ thủ tục này, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đưa vào Nghị định 78. Dư luận đã phản ứng trước khi ban hành Nghị định, song cơ quan soạn thảo không nghe. Tôi cho rằng thủ tục này không cần thiết và cũng không phù hợp với tinh thần Luật Doanh nghiệp.
Tương tự là quy định doanh nghiệp phải áp mã ngành nghề khi đăng ký kinh doanh, cũng không phù hợp với tinh thần tự do kinh doanh của Luật. Việc áp mã ngành nghề là việc của cơ quan nhà nước, phục vụ quản lý nhà nước, không phải việc của doanh nghiệp, đừng ép doanh nghiệp thực hiện.
Rồi các thủ tục khác như mua hóa đơn GTGT, công bố thông tin… Thành ra, Luật của chúng ta quy định thủ tục đăng ký kinh doanh chỉ mất 3 ngày, nhưng theo khảo sát của WB lại kéo dài tới 5 ngày.
Trong khi đó, theo tôi, chỉ số khởi sự kinh doanh là chỉ số dễ cải cách nhất, không vướng mắc gì, dễ cải cách hơn nhiều so với những chỉ số như quản lý chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu vốn liên quan tới rất nhiều bộ ngành.
Tôi thấy trong lĩnh vực này chúng ta vẫn có gì đó vương vấn, qua 20 năm rồi nhưng trong thực tế vẫn chưa được như Luật Doanh nghiệp đã quy định. Nếu cải cách mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể vào top 30 thế giới về chỉ số này.
Có ý kiến nói rằng đánh giá của WB về chỉ số khởi sự kinh doanh không thật sát với thực tế. Quan điểm của ông thế nào?
Có một số điểm hơi băn khoăn. Như thủ tục mở tài khoản ngân hàng, ở bất cứ nước nào thì doanh nghiệp cũng phải mở tài khoản, thủ tục này ở Việt Nam cũng không khác gì các nước. Nhưng chỉ có riêng Việt Nam bị WB tính là một thủ tục và mất 1 ngày, có thể do đội điều tra của họ không rõ. Hoặc thủ tục làm con dấu, hiện trên thế giới có 38 nước sử dụng con dấu, 37 nước còn lại không bị tính, nhưng Việt Nam lại bị tính là một thủ tục. Chưa rõ tại sao họ tính như vậy, những điều này cần hỏi lại WB.
Ông đánh giá thế nào về chỉ số cấp phép xây dựng tụt 3 bậc?
Việt Nam vẫn có xếp hạng cao về chỉ số này, thứ 24 toàn cầu. Nhưng so với năm ngoái, đã bị giảm 3 bậc do những vướng mắc liên quan tới Nghị định 59 năm 2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Chính phủ đã yêu cầu phải sửa đổi Nghị định này.
Cũng phải thấy rằng dù chúng ta xếp hạng cao, nhưng trong thực tế, doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương vẫn rất không hài lòng về lĩnh vực cấp phép xây dựng. Chúng ta được điểm cao vì quy định không mất phí khi làm thủ tục, còn WB không đo lường chi phí không chính thức. Nhưng thủ tục phức tạp, thời gian quá dài, rất khó nói rằng không có chi phí không chính thức. Nói cách khác, đo lường của WB chưa phản ánh chính xác thực tế tại Việt Nam về cấp phép xây dựng.
Theo tôi, cơ quan quản lý hiện đang “ôm” quá nhiều thẩm quyền, như thẩm định công trình xây dựng, điều đó cần phải cải cách.
Chỉ số thương mại qua biên giới tăng hạng tới 15 bậc. Phải chăng việc kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu đã có chuyển biến?
Chỉ số thương mại qua biên giới tăng 15 bậc, cho thấy Chính phủ và ngành Hải quan đã nỗ lực rất nhiều. Nhưng lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành (gồm kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm) còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Các nước vì bảo hộ trong nước cũng đặt rào cản với nhập khẩu, nhưng Việt Nam lại đặt ra quá nhiều rào cản, tới gần 40% hàng hóa bị kiểm tra. Thậm chí cả hàng xuất khẩu cũng gặp rào cản.
Điều đáng mừng là một số Bộ ngành đã có chuyển động, như Bộ NNPTNT vừa đồng ý cho doanh nghiệp đưa nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về kho bảo quản của doanh nghiệp để thực hiện kiểm dịch. Quy định này sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì chi phí lưu kho, lưu bãi ở cảng rất đắt đỏ, có thể lên tới 100 USD mỗi ngày cho một container.
Hay Bộ Y tế, Bộ NNPTNT đã thống nhất miễn công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, miễn ghi nhãn phụ, nhãn tiếng Việt đối với thực phẩm nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu. Bộ Công Thương đã bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra formaldehyt.
Tuy nhiên, điều đáng suy nghĩ là lẽ ra, có những quy định có thể bỏ ngay trong 1 đêm, thì chúng ta lại mất tới nhiều năm, tốn quá nhiều giấy mực và mất quá nhiều thời gian thảo luận.
Còn về chỉ số giải quyết phá sản và thực thi hợp đồng, thưa ông?
Đây là hai chỉ số thuộc thẩm quyền của ngành tư pháp. Tại Nghị quyết 35, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện quy định về thủ tục phá sản doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện phá sản. Tôi nghĩ dù khó cũng phải làm việc này mới cải cách được, nếu không chỉ số giải quyết phá sản không thể thay đổi.
Nhìn rộng hơn, điều đáng mừng là Chính phủ đã yêu cầu sắp tới sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc về môi trường kinh doanh. Tôi cho rằng hội nghị này phải mổ xẻ kỹ lưỡng hơn về những chỉ số xuống hạng hoặc hiện có thứ hạng thấp. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các Bộ trưởng, nếu các Bộ trưởng mà thờ ơ thì rất khó cải thiện.
Đánh giá chung thì môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có cải thiện. Chưa bao giờ chúng ta tiến được 9 bậc. Trước đây thường ở quanh mức 90 toàn cầu, với bước tiến mới này, hi vọng chúng ta sẽ sớm vào nhóm 70 nước phía trên bảng xếp hạng.
Hà Chính
(thực hiện)