Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn cho thị trường Bất động sản Việt Nam" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), để thực hiện các dự án, đảm bảo nguồn cung bất động sản (BĐS) đưa ra thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, các doanh nghiệp BĐS rất cần đến nguồn vốn lớn và được huy động từ nhiều kênh để đảm bảo có dòng tiền bền vững.
"Để doanh nghiệp BĐS không ngừng lớn mạnh, tham gia vào nhiều dự án, vai trò của dòng vốn rất quan trọng. "Sự sống" của doanh nghiệp BĐS phụ thuộc vào dòng vốn", PGS. TS Ngô Trí Long khẳng định.
Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, vốn đầu tư vào thị trường BĐS trong thời gian qua bao gồm nguồn vốn tự có của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh BĐS trong nước, vốn đầu tư nước ngoài, vốn huy động từ các nhà đầu tư trực tiếp thông qua hình thức mua bán BĐS hình thành ở tương lai, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng (chủ yếu là từ các ngân hàng thương mại) và vốn huy động từ thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu).
Dù các kênh vốn trên thị trường đang khá đa dạng, nhưng từ trước đến này, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Nhà nước có những động thái siết tín dụng cho vay kinh doanh BĐS, hàng loạt doanh nghiệp đã chủ động chuyển sang huy động vốn thông qua phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trong 3 năm gần đây, trái phiếu trở thành công cụ gọi vốn hữu hiệu cho rất nhiều doanh nghiệp, khiến quy mô của thị trường này tính trên GDP cũng có sự tăng mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp thiếu vốn trong khi vay ngân hàng cần tài sản đảm bảo, quy trình mất thời gian; vay vốn lưu động không được nhiều do sản xuất - kinh doanh khó khăn nên phải tìm cách huy động vốn mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh.
Trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn trung, dài hạn, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
"Kênh gọi vốn trái phiếu đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp và san sẻ gánh nặng cho các ngân hàng, định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn", PGS.TS. Ngô Trí Long nhìn nhận.
Trong giai đoạn 2014 - 2018 thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ, nhưng 2 năm qua (2020 - 2021) do tác động của đại dịch COVID-19 thị trường BĐS rơi vào tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp BĐS kinh doanh không có hiệu quả, thiếu hụt vốn nghiêm trọng, tỉ lệ nợ gia tăng, khả năng thanh toán thấp. Từ đó, nhiều công trình, dự án không hoàn thành đúng tiến độ, tình trạng đầu tư dang dở, lãng phí.
Từ thực tế này, theo các chuyên gia, việc tìm ra các giải pháp khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản trong tình hình mới để thúc đẩy sự phục hồi và phát triển bền vững là rất cần thiết.
PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS Việt Nam nói riêng đang có nhiều thuận lợi và cơ hội để phát triển.
Tuy nhiên, các hạn chế, thách thức cũng tiềm tàng. Chính vì thế, việc thu hút nguồn vốn để phát triển đi liền với việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và chế tài nghiêm minh. Cổ phiếu và trái phiếu cũng nằm chung trong bối cảnh và giải pháp đó. Khi vận dụng và thu hút thành công, thị trường BĐS sẽ phát triển vững chắc lên cấp độ tài chính hóa và sẽ trưởng thành cùng với nền kinh tế.
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định, phương châm cho phát triển các kênh đầu tư BĐS là củng cố, lành mạnh hóa các kênh hiện hữu như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp BĐS và thúc đẩy mạnh hơn, gắn liền với lành mạnh hóa và giảm rủi ro các kênh mới hình thành.
"Đối với các kênh như tín dụng và phát hành trái phiếu có thể siết chặt song không "dàn hàng ngang" mà tùy từng chủ thể phát hành cho vay, phân khúc thị trường để có sự điều tiết hữu hiệu", TS. Lê Xuân Sang cho biết.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, ngành BĐS là ngành chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, do đó doanh nghiệp BĐS cũng cần phải nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, thuế, vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
"Việc siết chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu nên xem xét một cách hợp lý, tránh gây sốc thị trường BĐS, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung đến các thị trường khác trong bối cảnh Chính phủ có các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19", ông Nguyễn Quốc Hùng nêu quan điểm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cần phát triển cân bằng, hài hòa hơn thị trường tài chính, kiến tạo phát triển song vẫn kiểm soát rủi ro, nhưng cần có lộ trình phù hợp, nắn dòng vốn chứ không thắt chặt dòng vốn, làm nghẽn thị trường.
Phân tích thêm, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu là việc cần làm, nhưng giải pháp phải xử lý khắc phục được những điểm yếu của thị trường.
Theo chuyên gia này, mục tiêu duy nhất là hướng đến một thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành trụ cột vững chắc và là kiềng 3 chân trong thị trường vốn Việt Nam.
Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới theo PGS.TS Ngô Trí Long, Bộ Tài chính cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, minh bạch, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.
Cùng với đó "cần phải tiếp tục hoàn thiện tổ chức thị trường; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp; thúc đẩy dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và các dịch vụ trên thị trường; phát triển cơ sở nhà đầu tư; tăng cường quản lý, giám sát thị trường và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền", PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm: Thực tế đòi hỏi cần có sự tiếp cận đa chiều và giải pháp đồng bộ để đảm bảo cho thị trường chứng khoán nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng phát triển lành mạnh, minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhà phát hành.
Theo vị chuyên gia này, các cơ quan chức năng cũng cần quán triệt thấu đáo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc không lạm dụng, hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán; kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp BĐS phát triển trở lại, bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, cổ đông và việc làm cho người lao động, duy trì động lực phục hồi và phát triển kinh tế...
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng đồng tình, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững, cần thiết phải bổ sung khung pháp luật thật sự minh bạch, cụ thể. Trước hết là pháp lý liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu và cam kết thực hiện thỏa thuận phát hành cùng với quy chế giám sát thực hiện.
"Sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng cùng sự ủng hộ, đồng hành của xã hội có thể xây dựng được thị trường vốn nói chung cũng như thị trường trái phiếu nói riêng góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước", luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích thêm, trái phiếu chiếm tới một nửa số vốn trung dài hạn của quốc gia, là nguồn vốn rất quan trọng với BĐS nói riêng và thị trường nói chung. Do đó, phải có giải pháp đẩy nhanh chất lượng xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp BĐS để tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu lành mạnh.
Toàn Thắng