In bài viết

Khơi thông nguồn lực để Bình Thuận tăng tốc phát triển

(Chinhphu.vn) - Năm 2019, Bình Thuận là một trong những địa phương có sự phát triển toàn diện, một sự chuyển động tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là công tác thu hút đầu tư. Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về những nét nổi bật của Bình Thuận trong năm 2019 và triển vọng phát triển trong thời gian tới.

27/01/2020 10:15

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai - Ảnh: VGP/Thế Phong

Nhìn lại năm 2019 cho thấy tỉnh Bình Thuận có sự phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của tỉnh nhà trong năm qua?

Ông Nguyễn Ngọc Hai: Năm 2019, kinh tế tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 11,09% (đây mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2010 đến nay), khẳng định được vai trò là năm tăng tốc của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020). GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng, tương đương 2.681 USD, tăng 12,94% so với cùng kỳ năm 2018. Công nghiệp chế biến-chế tạo và sản xuất, phân phối điện chiếm tỷ trọng lớn, tăng trưởng liên tục, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Thu ngân sách Nhà nước là điểm sáng, năm 2019 đạt 13.203 tỷ đồng, vượt 40,75% dự toán HĐND tỉnh Bình Thuận giao, trong đó, thu nội địa là 9.400 tỷ đồng, vượt 49,68% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2019 đạt 33.152 tỷ đồng (tăng 38,13% so cùng kỳ năm trước), chiếm 43,45% GRDP; trong đó vốn ngoài Nhà nước chiếm 74,07% (tăng 35,92% so với cùng kỳ năm 2018). Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, đối thoại và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tốt hơn, tiến độ triển khai các dự án đã được chấp thuận đầu tư thực hiện khá. Tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận, Cảng quốc tế Vĩnh Tân chính thức đưa vào hoạt động, các tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác và phát huy hiệu quả, tạo động lực mới góp phần phát triển bền vững.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế. Đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân tiếp tục được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 43,6 triệu đồng/năm, tăng 8,36%. Công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các gia đình, những người có công với nước được tiếp tục quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn đa chiều năm 2019 giảm 0,7%, còn 2,02%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế có nhiều cố gắng, ước đạt 86%. Tình hình an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cơ bản giữ vững.

Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2020 đề ra. Vậy tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp đột phá nào để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Hai: Năm 2020, Bình Thuận tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế: “Công nghiệp-dịch vụ-đô thị, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo-điện gió ngoài khơi; du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, gắn hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Thứ nhất, triển khai hiệu quả kết quả đạt được sau hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 của tỉnh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược, có năng lực. Tiếp tục thực hiện đề án trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, kêu gọi phát triển điện gió ngoài khơi. Thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

Triển khai thực hiện các giải pháp tái cơ cấu sản xuất, sản phẩm nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, có lợi thế, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Kêu gọi đầu tư hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, các sản phẩm du lịch, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện một số dự án du lịch quy mô lớn.

Mở rộng hợp tác đối ngoại kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư. Triển khai tích cực, có hiệu quả Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm lợi thế của tỉnh. Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm, nâng cao giá trị thương phẩm và khả năng cạnh tranh. Triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, giải quyết tốt đầu ra của các loại sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn, nhất là việc chồng lấn quy hoạch titan với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội khác. Đầu tư hệ thống truyền tải, giải phóng công suất cho các nhà máy điện của Bình Thuận. Dồn sức đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình trọng điểm sớm đưa vào hoạt động như: Cảng hàng không Phan Thiết, đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận); đường ven biển phía Nam ĐT.719, ĐT.719B, Quốc lộ 28 và Quốc lộ 28B (kết nối khu vực Tây Nguyên); hồ Sông Lũy, hồ Ka Pét; phát triển hệ thống dịch vụ logistics nhằm phát huy tối đa hiệu quả Cảng quốc tế Vĩnh Tân,... Tạo kết nối liên vùng kinh tế giữa Bình Thuận với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo nên sự bứt phá mang tính bước ngoặt trong những năm tới.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm môi trường tại Trung tâm Điện lực, các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, nhất là tại các khu dân cư, khu vực ven biển và khu du lịch của tỉnh.

Thứ tư, quan tâm phát triển kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa, xã hội. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… Bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

UBND tỉnh Bình Thuận trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án đầu tư vào Bình Thuận - Ảnh: VGP/Thế Phong

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Kết nối tiềm lực-Phát triển bền vững” diễn ra ngày 22/9/2019, tỉnh Bình Thuận đã thu hút vốn đầu tư kỷ lục. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc triển vọng phát triển Bình Thuận sau hội nghị này?

Ông Nguyễn Ngọc Hai: Tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 23.368 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 17 tỷ USD và 46.563 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực. Đây là những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong hoạt động thu hút đầu tư của Bình Thuận.

Tôi mong muốn và tin tưởng các dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư sẽ sớm thực hiện đi vào hoạt động; các thỏa thuận ghi nhớ sẽ sớm được cấp quyết định chủ trương và triển khai đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận và cho đất nước. Bình Thuận sẵn sàng đón chào nồng nhiệt các nhà đầu tư chiến lược khắp nơi có thiện chí, quyết tâm đưa dự án quy mô lớn về triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.


Bình Thuận sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng để sớm trở thành điểm đến du lịch cấp quốc gia cũng như phát huy lợi thế về phát triển công nghiệp năng lượng sạch, phát triển trung tâm dịch vụ logistics nhằm khai thác phát huy hạ tầng Cảng quốc tế Vĩnh Tân kết nối kinh tế vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Cùng với đó, sẽ phát triển khu công nghiệp đô thị phía Nam Bình Thuận đồng bộ, hiện đại và tập trung thu hút đầu tư để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa lớn và hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Bình Thuận có tiềm năng, triển vọng rất lớn phát triển du lịch - Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận

Bình Thuận có tiềm năng, triển vọng rất lớn phát triển du lịch, dịch vụ giải trí cao cấp có sức cạnh tranh cao. Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ làm gì để đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương?

Ông Nguyễn Ngọc Hai: Sau gần 25 năm hình thành và phát triển, du lịch Mũi Né-Bình Thuận đã khẳng định là một thương hiệu “Du lịch biển” hấp dẫn của quốc gia, luôn là lựa chọn hàng đầu của du khách. Bình Thuận được Tổng cục Du lịch đánh giá là một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa đối với các địa phương lân cận.

Năm 2019, tổng lượng khách đến Bình Thuận ước đạt 6,4 triệu lượt (tăng 12,2% so 2018), khách quốc tế là 773.000 lượt (tăng 14,4% so 2018), doanh thu từ khách du lịch ước đạt 15.100 tỷ đồng tăng 17,4% so với năm 2018. Năm 2020, tỉnh phấn đấu thu hút 7 triệu lượt khách đến, trong đó khách nội địa 6,15 triệu lượt, khách quốc tế  khoảng 850.000 lượt.

Bình Thuận sẽ tiếp tục duy trì việc đón tiếp và hướng dẫn các đoàn đại biểu, các đoàn Famtrip báo chí và lữ hành các nước trong khu vực và quốc tế đến tham quan, khảo sát sản phẩm du lịch Bình Thuận. 

Khẳng định một thương hiệu du lịch đã nổi tiếng, Bình Thuận còn tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tập trung phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch giải trí, du lịch mạo hiểm, nghỉ dưỡng biển và du lịch MICE hướng đến các thị trường khách quốc tế.

Du lịch nghỉ dưỡng biển được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và bảo đảm môi trường du lịch luôn trong lành, thơ mộng; du lịch thể thao biển sẽ mở rộng hoạt động các môn thể thao biển quen thuộc như lướt ván buồm, lướt ván diều, thuyền buồm, lướt sóng, dù lượn để thu hút nhiều du khách yêu thích thể thao biển đến thưởng lãm, biểu diễn và tranh tài. Tất cả đều hướng đến một điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam, mời gọi du khách khắp nơi đến du lịch, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. 

Thế Phong (thực hiện)