Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra các quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 22 bị can trong vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan ông Trịnh Văn Quyết.
Vụ án này xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP chứng khoán BOS, Công ty CP xây dựng FLC Faros và các công ty liên quan.
Theo Bộ Công an, kết quả điều tra đến nay làm rõ sai phạm của 22 người nguyên là lãnh đạo Công ty CP xây dựng FLC Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC, công ty kiểm toán và người thân của Trịnh Văn Quyết có hành vi đồng phạm, giúp sức tích cực cho ông Quyết "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Những người này giúp sức ông Quyết trong việc thông qua nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần, niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Trong số các bị can này, có nhiều cựu lãnh đạo tập đoàn FLC từng là thuộc cấp của Trịnh Văn Quyết gồm: Doãn Văn Phương (nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros); Trịnh Văn Đại (nguyên Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng Faros); Đỗ Như Tuấn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros); Nguyễn Văn Mạnh (nguyên Thành viên HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros, em rể Trịnh Văn Quyết); Đàm Mai Hương (nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng Faros); Nguyễn Văn Thanh (nguyên Trưởng Ban kiểm soát Công ty CP Xây dụng Faros); Hoàng Thị Thu Hà (Kế toán Công ty TNHH MTV FLC Land); Trần Thế Anh (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC); Đỗ Quang Lâm (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros); Nguyễn Thanh Bình (nguyên Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty RTS);
Lê Thành Vinh (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros); Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros); Lê Tân Sơn (nguyên Phó Chánh văn phòng, Thư ký Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC); Trịnh Tuân (nguyên Trưởng phòng Vật tư Công ty TNHH MTV FLC Land); Đặng Thị Hồng (nguyên Phó trưởng Ban Pháp chế, Công ty CP Tập đoàn FLC); Lê Văn Sắc (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Địa ốc Alaska kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV FLC Land); Trương Văn Tài (nhân viên Văn phòng Công ty CP Tập đoàn FLC, lái xe cho Trịnh Văn Quyết); Nguyễn Bình Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng FLC Faros); Nguyễn Minh Điểm (nguyên nhân viên hành chính nhân sự Công ty CP Chứng khoán BOS); Nguyễn Thị Hồng Dung (chị gái Nguyễn Văn Mạnh là em rể Trịnh Văn Quyết); Nguyễn Ngọc Tỉnh (Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội); Lê Văn Tuấn (Kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội) cũng nằm trong số đối tượng bị khởi tố.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty liên quan.
Đến nay, cơ quan công an đã điều tra làm rõ sai phạm của 22 đối tượng nguyên là lãnh đạo Công ty CP Xây dựng Faros, các công ty thuộc Tập đoàn FLC, Công ty kiểm toán và người thân của Trịnh Văn Quyết có hành vi đồng phạm, giúp sức tích cực cho ông Quyết "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên, cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam, thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc của 22 người trên.
Mới đây, đầu tháng 1, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về tội "thao túng thị trường chứng khoán" và tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo kết luận điều tra được ban hành cuối tháng 10/2023, cơ quan điều tra xác định trong hơn bốn năm (từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2022), ông Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 45 người, thành lập và đứng tên 20 doanh nghiệp để mở 500 tài khoản chứng khoán nhằm thao túng, "thổi giá" cổ phiếu.
Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu.
Tổng số tiền Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán "chui" cổ phiếu là gần 1.700 tỷ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng.
Ngoài ra, Trịnh Văn Quyết còn bị cáo buộc biết việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên ông Quyết vẫn chỉ đạo một số người thân và thuộc cấp thực hiện việc góp vốn khống bằng cách ký khống các chứng từ.
Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng.
Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên chưa tới hai năm sau đó, từ 2014-2016, Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros.
Thời gian này, thực tế các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros.
Cơ quan điều tra cáo buộc khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết đã bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng là tiền của các nhà đầu tư.
Nhật Nam