In bài viết

Khởi tố vụ án hình sự vụ việc ở Đồng Tâm dưới góc nhìn luật sư

(Chinhphu.vn) - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội chiều 13/6 đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 123 Bộ luật Hình sự) và sự việc đập phá gây hư hỏng một số ô tô để điều tra về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 Bộ luật Hình sự).

15/06/2017 15:41
Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự nêu trên là phải dựa vào Điều 100 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003. Theo đó, chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

Sự việc bắt giữ 38 người trái phép và hủy hoại một số phương tiện xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm là có thật, diễn ra trong một khoảng thời gian, tất cả mọi người dân đều biết, các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin. Do vậy, việc cơ quan điều tra thực hiện trách nhiệm khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra là hoàn toàn tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Việc khởi tố vụ án hình sự mới chỉ là bước đầu để xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội chưa ban hành quyết định khởi tố bị can, nên chúng ta chưa thể xác định được rằng có người dân nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Trường hợp, sau quá trình điều tra, nếu có đủ căn cứ, cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với một hoặc một số người dân ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm về hành vi vi phạm pháp luật hình sự nêu trên, thì việc khởi tố đó hoàn toàn không mâu thuẫn với cam kết của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Cam kết của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội là cam kết của người đứng đầu cơ quan hành chính Thành phố, còn việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can là thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại Điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định trách nhiệm khởi tố vụ án và xử lý hình sự khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định.

Bên cạnh đó, tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật.

Chúng tôi thiết nghĩ, nhân dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm nói riêng và mỗi người dân Việt Nam nói chung cần phải bình tĩnh và suy xét mọi điều thật kỹ càng, bởi lẽ tất cả người dân chúng ta đã có những cam kết, ràng buộc cụ thể trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.

Theo đó, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Bất kỳ ai vi phạm thì đều phải bị pháp luật xem xét, xử lý một cách thấu tình đạt lý, mà không có sự phân biệt hay loại trừ.

LS. Nguyễn Văn Hà

(Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và cộng sự - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)