In bài viết

Không có chuyện "khai tử" môn Lịch sử

(Chinhphu.vn) - Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định không có chuyện loại bỏ hay khai tử môn Lịch sử khỏi chương trình giáo dục phổ thông.

09/06/2022 18:29

Phó Thủ tướng Thường trực báo cáo giải trình nhiều vấn đề cử tri quan tâm - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn Quốc hội chiều 9/6 - Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn lịch sử, rất cụ thể.

Phó Thủ tướng Thường trực nêu ví dụ: Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương ngày 14/11/2013 nêu rõ: Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định rất rõ là giáo dục phổ thông 12 năm gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).

Giáo dục cơ bản là bảo đảm cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, trong đó môn Lịch sử là môn bắt buộc còn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Theo Thông tư số 32/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình giáo dục phổ thông, trong giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Lịch sử và Địa lý là môn học bắt buộc từ lớp 4 đến lớp 9 với tổng số lượng thời lượng là 560 tiết, trong đó môn Lịch sử chiếm 280 tiết. Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12, môn Lịch sử được bố trí là môn học trong tổ hợp khoa học xã hội.

Như vậy môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có.

Trước việc một số ý kiến cho rằng môn lịch sử là môn lựa chọn dẫn đến việc bỏ hoặc khai tử môn Lịch sử, Phó Thủ tướng Thường trực cho hay Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn Lịch sử cấp trung học phổ thông; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học môn Lịch sử và kiến thức về lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc được tăng cường, và luôn được chú trọng.

Tiếp tục phân cấp, phân quyền hơn nữa

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về phân cấp, phân quyền, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: Việc phân cấp nói chung và phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính nói riêng trong thời gian qua được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện, trong đó có việc giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và đẩy mạnh phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực từ Trung ương cho đến địa phương.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, trong tổng số 6.500 thủ tục hành chính, còn khoảng hơn 20% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương các cấp, còn lại thuộc thẩm quyền của các cơ quant Trung ương. Đây còn là con số còn lớn.

Đầu năm 2022, Chính phủ đã tổ chức hội nghị với tất cả các bộ, ngành, địa phương về vấn đề phân cấp, phân quyền nhằm đưa ra những biện pháp đẩy nhanh phân cấp, phân quyền, việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan nêu cao tinh thần chủ động, tích cực trong rà soát để đề xuất phân cấp, phân quyền hơn nữa.

Liên quan đến quản lý tài sản công và sắp xếp tài sản, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết Chính phủ đã có những văn bản quy định về vấn đề này như Nghị định số 67/NĐ-CP ngày 15/7/2021, trong đó yêu cầu các cơ sở nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý mà không có nhu cầu sử dụng thì cơ quan, đơn vị đó phải lập hồ sơ đề xuất phương án xử lý và thu hồi, điều chuyển bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về cho địa phương để quản lý và xử lý lý.

Quá trình thực hiện, theo tổng hợp, báo cáo cho đến nay của 9 bộ, cơ quan trung ương và 45 địa phương thì phát hiện tổng số cơ sở, nhà đất khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là 10.289 cơ sở và kết quả sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư như sau: Giữ lại tiếp tục sử dụng 8.125 cơ sở, thu hồi 117 cơ sở, điều chuyển 410 cơ sở giữa bộ, ngành, địa phương tùy theo nhu cầu xử lý thực tế. Bán tài sản đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 236 cơ sở, phương án 302 cơ sở chủ yếu chuyển giao về cho địa phương xử lý thì hiện nay còn chưa xử lý khoảng hơn 1.000 cơ sở.

Về giải pháp sắp tới, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp cùng các bộ, ngành, các địa phương rà soát về các cơ sở nhà đất, đặc biệt là những khu đất hoang hóa không sử dụng để tăng cường sử dụng, góp phần thực hiện có hiệu quả vấn đề sử dụng đất đai trên cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Trung ương.

Không có chuyện "khai tử" môn Lịch sử - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội chiều 9/6

Quy trình cổ phần hóa, thoái vốn chặt chẽ hơn

Phó Thủ tướng Thường trực cho hay trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ có kế hoạch cổ phần hóa 128 doanh nghiệp và thoái vốn tại 348 doanh nghiệp. Kết quả là đến năm 2020, đã cổ phần hóa được 39/128 doanh nghiệp và thoái vốn tại 106 trên 348 doanh nghiệp, đạt 30% kế hoạch.

Giai đoan từ 2021 cho đến tháng 4/2022, thực hiên Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các doanh nghiệp chưa hoàn thành theo danh mục mà đã đưa ra giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ nhìn nhận việc cổ phần hóa mới hoạch cổ phần hóa mới đạt 30% kế hoạch do nhiều nguyên nhân, trong đó các doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn vừa qua có nhiều doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu đất đai là những vấn đề cần giải quyết trước khi cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng ngày càng chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước nên quy trình thực hiện dài hơn, thậm chí các doanh nghiệp phải thực hiện lại từ đầu hoặc một số nội dung công đoạn của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn.

Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý nhà đất hoặc các vấn đề khác cũng còn khó khăn.

Nhiệm vụ trong thời gian tới bao gồm việc tiếp tục tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, trong đó có các Nghị định 01, Nghị định 126, Nghị định 167, Nghị định 140.

Sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết các đánh giá trong và ngoài nước đều cho thấy đồng bằng sông Cửu Long đứng trước thách thức rất lớn do chịu ảnh hưởng trực tiếp ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề này, thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết 120 về phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Chính phủ nhiệm kỳ trước); Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Cửu Long dến năm 2030, tầm nhìn đến 245; Quyết định 287/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó đều có nội dung liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực này.

Về đầu tư nguồn lực cho ứng phó biến đổi khí hậu, từ năm 2011-2020, đầu tư của ngân sách Trung ương cho đồng bằng sông Cửu Long là không dưới 1 % tổng chi ngân sách. Chính phủ cũng đã dành 1,5 tỷ USD trong tổng số hơn 6,9 tỷ đô la nguồn vốn ODA giai đoạn 2011-2022, cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, đã có nhiều nghiên cứu liên quan đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và huy động nguồn lực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng song Cửu Long.

Đề cập đến những giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông hạ tầng cơ sở, dự kiến trong 5 năm tới sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại khu vực này. 

Khó xảy ra lợi ích nhóm nếu tuân thủ nghiêm quy trình xây dựng văn bản

Liên quan đến vấn đề chống lợi ích nhóm trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đã có những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan soạn thảo phải tổng kết, thi hành pháp luật và đánh giá tác động chính sách thì mới đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phải tổ chức các hội nghị, hội thảo để đánh giá, tiếp thu; gửi Bộ Bộ Tư pháp thẩm định.

Tiếp theo, Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về luật pháp hoặc các phiên họp thường kỳ của Chính phủ để xem xét, đặc biệt là các dự án luật trước khi trình Quốc hội.

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng đó là quy trình hết sức chặt chẽ, nếu tuân thủ nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng theo quy trình này rất khó xảy ra.

Chính phủ cũng đã đề ra những quy định và có những biện pháp nhằm minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng luật, xây dựng văn bản; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan Chính phủ, nhất là vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan; phát huy vai trò của Ban soạn thảo, soạn thảo; nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp; củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn ODA

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, đến nay đã huy động được 21 tỷ USD nguồn vốn ODA. Riêng năm 2022, dự kiến huy động nguồn vốn vay ưu đãi là 2,5 tỷ USD. Đây là nguồn lực hết sức cần thiết và không phải dễ dàng có được, nhất là trong bối cảnh các nguồn vốn vay trở nên kém ưu đãi hơn, lãi suất tăng lên, kỳ hạn vay giảm xuống, các điều kiện ràng buộc ngày càng nhiều.

Cũng phải khẳng định chúng ta đã sử dụng nguồn vốn ODA có hiệu quả nên các nhà tài trợ, các ngân hàng mới dành cho Việt Nam nguồn vốn này.

Tỷ lệ giải ngân vốn ODA thấp trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là tình hình dịch bệnh COVID-19; còn sự khác biệt về thủ tục, quy trình giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; công tác giải phóng mặt bằng còn chậm. Về chủ quan, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, và năng lực giải ngân còn có hạn chế; việc bố trí nguồn vốn đối ứng còn khó khăn.

Đề cập đến giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát lại và hoàn thiện cơ sở pháp lý như sửa đổi Nghị định 56, Nghị định 114…; khẩn trương rà soát lại các thủ tục, hài hòa hóa các thủ tục với nhà tài trợ; đẩy nhanh quyết toán khối lượng công việc đã hoàn thành; cương quyết xem xét điều chuyển nguồn vốn hoặc hủy nguồn vốn nếu sử dụng không hiệu quả.

Chính phủ vẫn quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định Chính phủ vẫn quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết đề ra các biện pháp, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh và tiếp tục tạo môi trường kinh doanh từ đầu năm 2022.

Theo đánh giá mới đây nhất về kết quả, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh công bố tháng 4 năm 2022, môi trường kinh doanh của Việt Nam chuyển biến theo hướng tích cực, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chuyển biến tốt và rất tốt, tăng trên cả 10 lĩnh vực, môi trường kinh doanh.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh; thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai, đổi mới quản lý hành chính đất đai.

Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số; tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh…

Ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, phân lô, bán nền

Liên quan đến quản lý đất lâm nghiệp, đồi nói bị san ủi không theo quy hoạch, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân lợi nhuận lớn từ chiếm dụng đất đai, giá trị quyền sử dụng đất tăng lên sau khi chuyển đổi mục đích; có sự yếu kém trong buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương; các quy hoạch chuyên ngành của địa phương cũng không liên thông và thống nhất, đồng bộ...

Trước thực trạng trên, tại Nghị quyết 63 của Chính phủ ngày 3/5/2022, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố tích cực chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, phân lô, bán nền.

Tiếp đó, ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05 yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi để phân lô, bán nền, xây dựng trên đất rừng trái quy định của pháp luật.

Trước đó ngày 21/8/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị 22 giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Đoàn kiểm tra đi kiểm tra các địa phương về tình trạng này.

Hải Minh