In bài viết

Không có cơ sở xem xét việc miễn tiền chậm nộp thuế của Cty Vikom

(Chinhphu.vn) – Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Vikom đề nghị cơ quan chức năng giải quyết một số vướng mắc về thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

19/09/2017 08:20
Công ty TNHH Vikom chuyên sản xuất, gia công linh kiện ô tô dùng xuất khẩu và sản xuất các bộ phận của sạc pin điện thoại di động bán cho Công ty TNHH RFTech Bắc Ninh (nay là RFTech Thái Nguyên).

Để sản xuất vỏ sạc pin điện thoại di động, Công ty đã nhập khẩu nguyên phụ liệu theo loại hình nhập sản xuất xuất khẩu E31 sau đó sản xuất và bán cho Công ty RFTech theo hình thức bán trong nước, xuất hóa đơn VAT. Từ đó Công ty RFTech lắp ráp thành bộ sạc pin hoàn chỉnh và xuất khẩu.

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.

Tuy nhiên, tại Điểm d, Khoản 3, Điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP lại quy định điều kiện để được miễn thuế nhập khẩu là doanh nghiệp phải trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác xuất khẩu. Công ty TNHH Vikom chỉ tham gia vào một công đoạn của chuỗi sản xuất hàng hóa nên không đáp ứng điều kiện để được miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu. Do vậy, giá thành của hàng hóa xuất khẩu tăng, giảm tính cạnh tranh của Công ty, khiến Công ty gặp nhiều khó khăn.

Trước đây Công ty thường xuyên nhập khẩu nguyên phụ liệu theo loại hình E31 và nộp thuế sau 275 ngày. Tuy nhiên, theo Công văn số 12166/BTC-TCHQ, từ sau ngày 1/9/2016, Công ty đã khai báo nhập loại hình E31 nhưng mã miễn thuế là XN210, Công ty đã không nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT.

Sau khi tham khảo Công văn số 641/TCHQ-TXNK ngày 6/2/2017 của Tổng cục Hải quan và xin tư vấn từ Chi cục Hải quan Hưng Yên, Công ty đã chuyển sang nhập khẩu NPL theo loại hình A12 và nộp thuế theo quy định.

Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 2/9/2016 đến ngày 13/3/2017, Công ty đã có 41 tờ khai nhập khẩu miễn thuế. Công ty đã nhiều lần gửi văn bản đến Chi cục Hải quan Hưng Yên để xin được hướng dẫn nộp thuế nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ngày 20/7/2017, Công ty nhận được văn bản số 4846/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan Việt Nam trả lời về việc hoàn thuế nhập khẩu. Ngay sau đó, Chi cục Hải quan Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra tại doanh nghiệp và được biết sẽ ra kết luận ấn định thuế, xử phạt vi phạm hành chính và phạt chậm nộp đối với những tờ khai trên.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Vikom đề nghị được nộp thuế nhập khẩu đúng quy định, xin miễn phạt hành vi chậm nộp thuế do Công ty đã chủ động xin nộp thuế nhưng không được hướng dẫn. Đồng thời Công ty đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Về chính sách thuế, căn cứ Khoản 7, Điều 16; Điểm d, Khoản 1, Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; căn cứ Điều 12, Điều 36 nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, từ ngày 1/9/2016, trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để sản xuất hàng xuất khẩu nhưng không trực tiếp xuất khẩu mà bán cho doanh nghiệp khác để sản xuất sản phẩm xuất khẩu thì không được miễn thuế, hoàn thuế theo quy định.

Căn cứ Điều 106 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 32, Điều 1 Luật số 21/2012/QH13; Khoản 4, Điều 5 Luật số 71/2014/QH13 và Khoản 3, Điều 3 Luật số 106/2016/QH13), từ ngày 1/7/2013 việc nộp chậm tiền thuế không thuộc hành vi bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (Điều 103 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH13) mà phải nộp tiền chậm nộp, đồng thời Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn Luật không quy định về miễn tiền chậm nộp. Vì vậy, không có cơ sở để xem xét, giải quyết đối với đề nghị miễn tiền chậm nộp của Công ty.

Cách xác định tiền chậm nộp

Theo các quy định nêu trên, việc chuyển loại hình nhập khảu E31 (nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu) sang loại hình A12 (nhập kinh doanh sản xuất) thì phải điều chỉnh lại thời hạn nộp thuế và tính tiền chậm nộp thuế. Các xác định tiền nộp chậm như sau:

Về mức tính tiền chậm nộp, căn cứ Khoản 3, Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13 quy định mức tính chậm nộp là 0,03%/ngày, tính trên số tiền thuế chậm nộp.

Về số ngày chậm nộp thuế, Điểm b, Khoản 4, Điều 133 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định: “Số ngày chậm nộp tiền thuế được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc trong quyết định xử lý của cơ quan hải quan và văn bản xử lý về thuế của cơ quan có thẩm quyền đến ngày liền kề trước ngày người nộp thuế hoặc cơ quan, tổ chức thu tiền thuế, tổ chức bảo lãnh nộp số tiền thuế chậm nộp vào ngân sách Nhà nước”.

Đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện, trường hợp vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể.

Chinhphu.vn