Cục trưởng Cục Lãnh sự Vũ Việt Anh: Phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó, không có giới hạn về địa bàn “nóng” trong bảo hộ công dân. |
Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Vũ Việt Anh chia sẻ điều này khi trao đổi với báo chí về công tác bảo hộ công dân trong thời kỳ dịch COVID-19.
Phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó
Cập nhật thông tin về công tác bảo hộ công dân tại một số địa bàn nóng trong thời gian gần đây, ông Vũ Việt Anh cho biết: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, công tác bảo hộ công dân đã và đang được Cục Lãnh sự triển khai kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.
Cục Lãnh sự đảm bảo liên lạc chặt chẽ, thông suốt 24/7 với công dân thông qua đường dây nóng bảo hộ công dân của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Tổng đài bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, các đầu mối cộng đồng người Việt ở sở tại; thường xuyên cập nhật số liệu, diễn biến dịch COVID-19 và tình hình công dân Việt Nam ở sở tại cũng như khuyến cáo về đi lại để có ứng phó phù hợp và kịp thời.
Cơ quan đại diện Việt Nam nói chung và tại các địa bàn “nóng” nói riêng đã tích cực thăm hỏi, động viên công dân sinh sống ở khu vực có dịch, khuyến cáo bà con tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch và pháp luật sở tại.
Bên cạnh đó, “chúng ta đã tăng cường thúc đẩy phía nước ngoài tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để công dân được tiếp cận và đảm bảo các điều kiện về y tế, an ninh, an toàn cũng như các hỗ trợ cần thiết khác như thủ tục, giấy tờ liên quan đến việc về nước, duy trì tối thiểu hoạt động hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại” – ông Vũ Việt Anh chia sẻ.
Do tình hình dịch bệnh, các quốc gia liên tục thay đổi chính sách xuất nhập cảnh, làm hàng trăm công dân ta mắc kẹt tại các sân bay, bến cảng nước ngoài. Ngoài việc chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại hỗ trợ những người này, Cục Lãnh sự cũng đã chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan chức năng trong nước khẩn trương rà soát, lên kế hoạch đón công dân Việt Nam đang bị kẹt ở sân bay, đưa một số công dân hiện đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, 2251 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại sân bay, có hoàn cảnh khó khăn hoặc phải về nước vì lý do đặc biệt cần thiết tại các địa bàn như Ấn Độ, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Anh… đã trở về nước.
Cùng với phương châm “chống dịch như chống giặc”, để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu cho Bộ Ngoại giao trong vai trò thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Cục Lãnh sự sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai công tác bảo hộ công dân theo tinh thần phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó, không có giới hạn về địa bàn “nóng”, đảm bảo các yêu cầu cách ly, giám sát y tế phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài ngày càng nhiều những năm gần đây.
Phép thử bất ngờ, khó lường và phức tạp
Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức trong công tác bảo hộ công dân, ông Vũ Việt Anh nhấn mạnh: Những năm qua, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài đã đạt nhiều bước tiến quan trọng dù gặp không ít thử thách, khó khăn.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 là một trong những phép thử bất ngờ, khó lường và phức tạp đối với công tác bảo hộ công dân. Chưa bao giờ công tác bảo hộ công dân trải dài cả không gian, thời gian, trường độ và cường độ, huy động sự tham gia và đóng góp về nguồn lực lớn như trong thời kỳ dịch COVID-19.
Để chủ động ứng phó, công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được Cục Lãnh sự tiến hành liên tục, thường xuyên; chủ động tham mưu phương án bảo hộ công dân ngay từ đầu thời kỳ dịch COVID-19, lên kế hoạch tổng thể về bảo hộ công dân khi dịch bùng phát trên diện rộng, đồng thời hoàn thành tốt vai trò tổ chức, điều phối sự tham gia của các cơ quan liên quan trong việc đưa công dân về nước…
Bên cạnh các thuận lợi nói trên, công tác bảo hộ công dân nói chung và trong thời kỳ dịch COVID-19 nói riêng cũng gặp một số thách thức. Cụ thể là:
Thứ nhất, thách thức trực tiếp đến từ diễn biến khó lường, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; sự lan tỏa nhanh chóng và biến đổi không ngừng của các vấn đề an ninh phi truyền thống; sự điều chỉnh chính sách của các nước, vùng lãnh thổ có ảnh hưởng đến công dân Việt Nam.
Thứ hai, mặc dù công dân Việt Nam ở nước ngoài về cơ bản tuân thủ sự hướng dẫn của sở tại và Cơ quan đại diện Việt Nam nhưng vẫn có một số trường hợp chưa có sự hợp tác cần thiết. Ví dụ như trong dịch COVID-19 khi các nước thắt chặt xuất nhập cảnh, dừng vận chuyển hàng không, đã xảy ra tình trạng một số công dân tự tìm cách về nước mà không liên hệ với Cơ quan đại diện ta và cũng không chú ý các khuyến cáo về đi lại. Điều này khiến bản thân công dân rơi vào tình huống vô cùng bấp bênh, nguy hiểm, thậm chí có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, làm cho việc tiếp cận, xác định và bảo hộ những người này trở nên khó thực hiện hơn.
Thứ ba, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân ở nước ngoài chưa thực sự có nguồn lực thỏa đáng và cơ chế thu chi hợp lý, do vậy, đặt ra không ít khó khăn cho các Cơ quan đại diện ta trong việc xử lý các vụ việc bảo hộ công dân khẩn cấp.
Luôn là điểm tựa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Ông Vũ Việt Anh chia sẻ thêm: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều khu vực trên thế giới, với phương châm bảo hộ công dân chủ động, nhanh chóng, hiệu quả, Cục Lãnh sự ưu tiên triển khai một số công việc cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình, số liệu công dân Việt Nam ở nước ngoài thông qua các kênh liên lạc hiệu quả hiện thời, đặc biệt là tập hợp, thống kê số người có nhu cầu về nước để kiến nghị biện pháp hỗ trợ phù hợp với diễn biến của dịch bệnh tại các khu vực đó.
Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác với sở tại để kịp thời trao đổi, phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ công dân Việt Nam.
Thứ ba, phân cấp mức độ ảnh hưởng, tính cấp thiết của vấn đề tại từng khu vực để đề xuất phương án đưa công dân về nước hợp lý, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Song song với các phương án này, Cục Lãnh sự sẽ tiếp tục rút bài học kinh nghiệm trong đợt đưa công dân về nước vừa qua nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để công tác bảo hộ công dân luôn là điểm tựa cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.