In bài viết

Không có quy định giảm tiền lương trở về thời gian trước

(Chinhphu.vn) – Pháp luật về lao động, tiền lương không quy định về việc giảm tiền lương của người lao động trở về thời gian trước. Trường hợp đã đóng, hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật, được cơ quan có thẩm quyền phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả theo đúng quy định.

29/09/2021 14:02

Theo phản ánh của bà Phạm Thị Lý hỏi, chi nhánh Công ty của bà đã đóng BHXH cho cán bộ công nhân viên đến tháng 8/2021 ở mức A (mức cao hơn) nay lại giảm xuống mức B (thấp hơn). Bà Lý hỏi, việc thay đổi mức đóng này (tính từ tháng 1/2021) công ty phải bù trừ lại BHXH là đúng hay sai?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều 93, Khoản 1 Điều 94, Khoản 1 Điều 95, Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 thì:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương làm căn cứ thỏa thuận tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động; thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện;

- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Pháp luật về lao động, tiền lương không quy định về việc giảm tiền lương của người lao động trở về thời gian trước. Trường hợp đã đóng, hưởng BHXH không đúng quy định của pháp luật, được cơ quan có thẩm quyền phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý vi phạm, yêu cầu khắc phục hậu quả theo đúng quy định.

Căn cứ quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN (Khoản 2 Điều 21, khoản 1 Điều 85, khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014; điểm a khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 15 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014; khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm; điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; khoản 1 Điều 4 Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN), hàng tháng người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN phần thuộc trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động và trích tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN (phần thuộc trách nhiệm đóng của người lao động) từ tiền lương của từng người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định.

Theo đó, nội dung bà Phạm Thị Lý hỏi về việc điều chỉnh giảm tiền lương đóng BHXH từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2021 nằm ngoài các quy định của pháp luật.

Chinhphu.vn