Ông Lượng cho rằng, hướng dẫn này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng do Chấp hành viên thi hành án dân sự là người có tài sản đấu giá nên họ có quyền định đoạt: Tự định giá, tự ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá; tự bán đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn, tự bán đấu giá trong trường hợp chỉ có 1 người tham gia đấu giá trả giá bằng giá khởi điểm. Quan điểm đó trái với quan điểm pháp luật Việt Nam quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 241 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 6, Điều 7 Luật Đấu giá tài sản; Điều 3, Điều 5 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, người có tài sản bảo đảm bán đấu giá là chủ sở hữu tài sản, là người có tài sản đấu giá, được giải thích tại Khoản 5, Điều 5 Luật Đấu giá tài sản: Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản.
Bên cạnh đó, Điều 3 Luật Thi hành án dân sự giải thích: “Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án”. Điều 5 Luật Thi hành án dân sự quy định:“Trong quá trình thi hành án quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
Như vậy có thể hiểu rằng, tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm (Điểm d, Khoản 1, Điều 4 Luật Đấu giá tài sản) quyền, lợi ích của các đương sự được tôn trọng và pháp luật bảo vệ, trong đó gồm:
- Được quyền đưa ra giá khởi điểm trước khi ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá;
- Được quyền điều chỉnh giảm giá khởi điểm;
- Được quyền giới thiệu tổ chức dịch vụ bán đấu giá;
- Được quyền giám sát niêm yết công khai bán đấu giá của tổ chức bán đấu giá;
- Được quyền từ chối tổ chức mở bán đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận (Điều 49);
- Được quyền từ chối tổ chức mở bán đấu giá theo thủ tục rút gọn (Điều 53);
- Được quyền khiếu nại, tố cáo;
- Được quyền đền bù thiệt hại do các tổ chức, cá nhân gây ra.
Theo đó, nếu người có tài sản bán đấu giá là Chấp hành viên Thi hành án dân sự như Cục Bổ trợ tư pháp hướng dẫn thì các quyền của đương sự sẽ không được bảo đảm. Mọi tiêu cực bán đấu giá tài sản sẽ không được kiểm soát, quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu Chấp hành viên và Đấu giá viên cấu kết thao túng giá cả, gây thiệt hại cho người có tài sản đấu giá.
Luật Đấu giá tài sản 2016, tại Khoản 3, Điều 53 quy định: “Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tổ chức tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 01 ngày”.
Ông Lượng hiểu rằng, quy định trên mang tính bắt buộc nhằm hướng đến cuộc đấu giá bán tài sản khách quan, minh bạch. Mục đích, khống chế thời gian “trước ngày mở cuộc đấu giá chỉ 01 ngày” nhằm tránh các đương sự tham gia đấu giá có thời gian dàn xếp kết quả đấu giá. Quy định này không phân biệt tổ chức bán đấu giá tài sản thuộc Nhà nước hay tư nhân, không quy định ngày nghỉ lễ hay thứ Bảy, Chủ nhật.
Do đó, ông Lượng đề nghị xem xét hướng dẫn Khoản 5, Điều 5 Luật Đấu giá tài sản, xác định rõ “người có tài sản đấu giá” đối với tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm (quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 4).
Yêu cầu hướng dẫn, làm rõ quyền của người có tài sản bảo đảm phải thi hành án, quyền của Chấp hành viên trong quá trình thực hiện cuộc bán đấu giá tài sản.
Hướng dẫn Khoản 3, Điều 53 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, yêu cầu hướng dẫn không phân biệt: Doanh nghiệp đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đều dừng tiếp nhận hồ sơ trước 1 ngày mở bán đấu giá. Không ưu tiên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản được dừng tiếp nhận hồ sơ trước 2 ngày mở bán đấu giá.
Yêu cầu hướng dẫn Khoản 3 Điều 53 Luật Đấu giá tài sản năm 2016: “trước ngày mở cuộc đấu giá chỉ 01 ngày” có tính ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật của một vụ bán đấu giá không?
Về vấn đề này, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp trả lời như sau:
Kiến nghị liên quan đến người có tài sản đấu giá và quyền, nghĩa vụ của người có tài sản thế chấp bảo đảm tiền vay trong quá trình tổ chức bán đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 275/BTTP-ĐGTS ngày 3/4/2018 trả lời ông Nguyễn Công Lượng các vấn đề nêu trên. Nội dung trả lời được căn cứ vào Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành án dân sự và các quy định pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 38 và Khoản 3, Điều 53 Luật Đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 2 ngày.
Trong trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn thì tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày.
Bộ luật Lao động đã quy định cụ thể thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Luật Đấu giá tài sản không có quy định tổ chức đấu giá tài sản phải bán hồ sơ cả ngày nghỉ.
Do đó, thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá được quy định trong Quy chế cuộc đấu giá phù hợp với thời giờ làm việc của tổ chức đấu giá tài sản gồm cả Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản và quy định của Luật Đấu giá tài sản nêu trên.