In bài viết

Không để bệnh nhân phải chờ đợi thuốc

(Chinhphu.vn) - Mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá vừa rẻ vừa phải bảo đảm chất lượng, nhất là trong đấu thầu thuốc. Cần bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm.

15/11/2022 14:08
Không để bệnh nhân phải chờ đợi thuốc - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 15/11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sáng 15/11.

Bà  Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XIII ban hành cho tới thời điểm này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trên thực tế, cần phải sửa đổi.

Theo đại biểu, đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua, xảy ra nhiều vụ tiêu cực, cho nên dự thảo luật có nhiều quy định để tăng cường các biện pháp giám sát. Song, điều này sẽ làm tăng thời gian, công sức và hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ. 

"Nhóm mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ sử dụng ngân sách Nhà nước đều phải đấu thầu. Nhiều đơn vị chấp nhận chuyện chậm lại để không xảy ra tiêu cực. Nhưng trên thực tế, có những nhóm mặt hàng đặc biệt trong lĩnh vực y tế liên quan đến việc cứu chữa người bệnh, ảnh hưởng tới tính mạng, sức khoẻ của người dân thì không thể chậm được", bà Lan nói.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc. Đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ có hình thức đấu thầu.

"Trong Chương 5 dự thảo luật có một số điều đề cập đến lĩnh vực đấu thầu thuốc, nhưng chưa đầy đủ. Theo tôi, phải xem xét lại những vấn đề này, đa dạng hoá phương thức để có được hàng hoá, dịch vụ; có được thuốc cho người bệnh. Không chỉ chăm chăm vào vấn đề đấu thầu, vừa tốn thời gian, tốn công sức mà chưa chắc bảo đảm chống được tiêu cực", đại biểu Quốc hội phân tích.

Theo bà Lan, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu. Trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân phải chờ đợi.  

Về vấn đề này, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Theo Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá vừa rẻ vừa phải đảm bảo chất lượng, nhất là trong đấu thầu thuốc. Bà đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi hội đồng thuốc và điều trị…

"Khi sửa luật cần có quy định cụ thể về vấn đề này. Thầy thuốc với quá trình đào tạo nhiều năm cùng lương tâm nghề nghiệp và lời thề với ngành, tôi nghĩ rằng, ưu tiên đầu tiên của họ khi lựa chọn thuốc cho bệnh nhân-đó là hiệu quả điều trị cho người bệnh. Tất nhiên vẫn có những cá nhân tiêu cực. Do vậy, phải xây dự thảo luật làm sao để  bảo đảm chất lượng thuốc", bà Lan nói.

Đặt câu hỏi về những khó khăn trong đấu thầu thuốc, đồng thời lý giải vấn đề này liên quan mật thiết đến việc tự chủ bệnh viện, theo đại biểu, nếu bệnh viện được tự chủ tài chính, được quyền quyết định được mua thuốc nào, điều trị ra sao, miễn là đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và người dân không phàn nàn.

Chúng ta có thể kiểm soát bằng hình thức tổng quát thanh toán, tính một cách đúng đắn theo định suất bệnh viện mỗi năm đón bao nhiêu bệnh nhân và cơ cấu bệnh tật như thế nào thì giá trị trung bình theo thị trường sẽ ra sao. Vấn đề này, bệnh viện cần được toàn quyền mua sắm. Nếu sợ tiêu cực thì cần làm thí điểm, có sự giám sát, theo dõi của các cơ quan chức năng. 

Bên cạnh đó, để  bảo đảm công tác đấu thầu công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, tránh sai sót, vi phạm không đáng có, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo luật quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế như mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vậy tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác. Đồng thời cần có quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, xử lý chỉ định thầu rút gọn.

Hải Liên