In bài viết

Không để cán bộ ‘tròn vo’ không làm gì

(Chinhphu.vn) - Từ nay đến cuối năm 2020, Hà Nội sẽ giảm bớt thanh tra, kiểm tra vụ việc nhưng tăng cường kiểm tra, thanh tra cán bộ thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ cán bộ, không để ách tắc, trì trệ hoặc "tròn vo" không làm gì.

30/09/2020 13:55

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị giao ban. Ảnh: VGP/Gia Huy

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vấn đề này tại Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã của Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP. Hà Nội tổ chức sáng 30/9.

GRDP quý III của Hà Nội tăng gấp 1,54 lần cả nước

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết mặc dù bị tác động bởi dịch COVID-19, kinh tế Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng; các khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh được dần tháo gỡ, kinh tế từng bước được phục hồi.

GRDP quý III/2020 của Hà Nội tăng 3,05% - cao hơn quý II và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 3,27% - gấp 1,54 mức tăng chung của cả nước. Điều này thể hiện xu hướng kinh tế Thủ đô tăng trưởng trở lại.

Kinh tế-xã hội của Thủ đô quý III có 5 điểm nổi bật. Đó là sản xuất nông nghiệp tăng khá cao và dự báo quý IV tiếp tục tăng ổn định; sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động bình thường trở lại và dần lấy lại đà tăng trưởng; ngành xây dựng tiếp tục tăng cao nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, thi công công trình; hoạt động bán buôn, bán lẻ tiếp tục tăng cao nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; hệ thống tín dụng, ngân hàng ổn định, dự nợ tín dụng ngân hàng duy trì tăng trưởng khá.

Về hoạt động của doanh nghiệp, trong 9 tháng năm 2020, trên địa bàn có 19.727 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 260.800 tỷ đồng; thực hiện thủ tục giải thể cho 1.800 doanh nghiệp (tăng 21% so với cùng kỳ); 8.900 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 45%); số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 4.800 doanh nghiệp (tăng 12% so với cùng kỳ).

Trong quý IV/2020, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 5% trở lên, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, vốn FDI.

Quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm phát triển kinh tế ban đêm

Riêng lĩnh vực du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Ngô Minh Hoàng cho biết dịch COVID-19 khiến du lịch Hà Nội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng khách du lịch giảm 68%. Tổng thu từ khách du lịch 9 tháng của năm 2020 giảm 68,3%, công suất buồng phòng giảm 42% so với cùng kỳ năm 2019. Khoảng 16.000 lao động trong lĩnh vực du lịch không có việc làm…

Triển khai các biện pháp phát triển cũng như kích cầu du lịch sau dịch bệnh, ngoài 14 doanh nghiệp và các khách sạn cam kết giảm 30-60% giá tour, phòng, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm và phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 sẽ đón được 10 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ và du lịch của quận trong 9 tháng qua sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song quận Hoàn Kiếm đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi đà tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong những tháng cuối năm 2020, quận sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, các ngày lễ lớn của Thủ đô và đất nước.

Quận Hoàn Kiếm kiến nghị Thành phố xem xét cho phép triển khai thí điểm phát triển kinh tế ban đêm; phê duyệt phương án xây dựng Cột mốc Km số 0 để thúc đẩy phát triển du lịch.

Tăng kiểm tra thực thi công vụ của cán bộ

Kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá so với tình hình khó khăn chung của cả nước, tình hình phát triển kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2020 của Thành phố có nhiều lĩnh vực khởi sắc. Tuy nhiên du lịch có tăng nhưng chưa được như kỳ vọng, một số ngành công nghiệp có xu hướng giảm...

Với mục tiêu đạt mức tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước trong năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng đến nay Thành phố vẫn thực hiện được nhưng cần bứt phá mạnh hơn nữa trong quý IV/2020. Về thu hút đầu tư nước ngoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết cuối năm mục tiêu thu hút hơn 5 tỷ USD có thể đạt được.

Ông Vương Đình Huệ đề nghị UBND Thành phố xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp quý IV/2020, trong đó nói rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, sản phẩm và thời hạn hoàn thành. Các sở, ngành xây dựng kế hoạch hành động từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2021 nhằm không để giains đoạn việc thực hiện các nhiệm vụ từ năm nay sang năm sau.

UBND Thành phố cần tiếp tục triển khai 5 đoàn kiểm tra, giám sát. Các cơ quan kiểm tra của Thành ủy phải tăng cường giám sát công chức, thực hiện công vụ, trách nhiệm nêu gương người đứng đầu, trách nhiệm kiện toàn nhân sự tại địa phương.

Ảnh: VGP/Gia Huy

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu từ nay đến cuối năm giảm bớt thanh tra, kiểm tra vụ việc; tránh trùng lặp trong công tác kiểm tra, nhưng tăng cường kiểm tra, thanh tra thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cán bộ nào không làm việc được phải xem xét chuyển người khác, không để ách tắc, trì trệ hoặc "tròn vo" không làm gì cả.

Về vấn đề thể chế, các sở, ngành cần quan tâm đến Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, mời các bộ, ngành Trung ương tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo của Hà Nội, hoàn thành sớm dự thảo báo cáo này.

Trong công tác quy hoạch, hiện nay, Hà Nội là 1 trong 10 tỉnh chưa được phê duyệt quy hoạch. Vì vậy, trong quý IV, UBND Thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan phê duyệt quy hoạch cho tất cả các quận, huyện, thị xã và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cho Thành phố. Bên cạnh đó, phủ kín 24 quy hoạch còn lại, bao gồm cả các quận nội đô lịch sử, quy hoạch hai bên sông Hồng, quy hoạch các đô thị vệ tinh...

Nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng của Hà Nội trong năm 2020 phải đạt từ 4-4,5%, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị, tiếp tục triển khai kết quả Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2002, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Gia Huy