Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đề nghị giải đáp trường hợp sau:
Dự toán gói thầu xây lắp bao gồm chi phí xây lắp, chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng khối lượng. Trong hồ sơ mời thầu, theo Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015, đối với loại hợp đồng đơn giá cố định chỉ quy định tách phần chi phí dự phòng khối lượng. Theo hồ sơ đề xuất tài chính, giá dự thầu (bao gồm chi phí xây lắp và chi phí dự phòng khối lượng) không vượt giá gói thầu.
Tuy nhiên, theo yêu cầu chủ đầu tư, giá gói thầu làm cơ sở xét thầu phải là giá gói thầu sau khi trừ chi phí dự phòng (bao gồm cả dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng). Khi trừ giá gói thầu các chi phí dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng thì giá dự thầu (không bao gồm dự phòng khối lượng) lớn hơn giá gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng).
Do trong trường hợp này chỉ có một nhà thầu vượt qua đánh giá kỹ thuật nên chủ đầu tư đã xác định giá chào thầu vượt giá gói thầu và phải xử lý tình huống cho nhà thầu chào lại giá. Tổng công ty đề nghị giải đáp, việc lấy giá gói thầu không bao gồm dự phòng trượt giá và dự phòng khối lượng làm cơ sở xét thầu có đúng trong trường hợp đối với hợp đồng xây lắp theo đơn giá cố định hay không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Điểm a, Khoản 2, Điều 35 Luật Đấu thầu quy định giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
Tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4, Điều 5 Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 quy định chi tiết việc lập hồ sơ mời thầu xây lắp có nêu: “Giá gói thầu phải bao gồm chi phí xây dựng, chi phí hạng mục chung và chi phí dự phòng. Chi phí dự phòng bao gồm: Chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có).
Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, khi đánh giá hồ sơ dự thầu về tài chính, thương mại thì chi phí dự phòng sẽ không được xem xét, đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Chi phí dự phòng sẽ được chuẩn xác lại trong quá trình thương thảo hợp đồng.
Giá trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm chi phí dự phòng; phần chi phí dự phòng này do chủ đầu tư quản lý và chỉ được sử dụng để thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng khi có phát sinh”.
Theo hướng dẫn tại Ghi chú (3) Mẫu số 20(b) Chương IV thuộc Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT, nhà thầu phải tính toán và phân bổ các chi phí về thuế, phí, lệ phí (nếu có) và chi phí cho yếu tố trượt giá của gói thầu vào trong giá dự thầu.
Chi phí dự phòng sẽ không được xem xét, đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu. Giá trúng thầu và giá hợp đồng phải bao gồm chi phí dự phòng.
Như vậy, đối với câu hỏi nêu trên, giá gói thầu trong mọi trường hợp đều phải bao gồm chi phí dự phòng để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu. Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh, khi đánh giá về tài chính thì chi phí dự phòng sẽ không được sử dụng để so sánh, xếp hạng nhà thầu.
Khi nhà thầu được đề nghị trúng thầu, giá đề nghị trúng thầu phải bao gồm chi phí dự phòng và không vượt giá gói thầu được duyệt. Việc xét duyệt trúng thầu thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Đấu thầu.
Chinhphu.vn