Ông Đức Hồng (tỉnh Hòa Bình) từng tham gia kháng chiến ở vùng Khe Sanh, Lao Bảo, A Sầu, A Lưới thuộc tỉnh Quảng Trị. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh thần kinh ngoại biên bán cấp.
Ông Hồng đã làm hồ sơ đề nghị giám định phơi nhiễm chất độc hóa học gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, tuy nhiên, hồ sơ bị trả lại với lý do, hiện nay tạm dừng nhận hồ sơ của người bị bệnh thần kinh ngoại biên bán cấp. Ông Hồng hỏi, như vậy có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành vẫn đang triển khai xác nhận và giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chưa có quy định tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị xem xét, xác nhận và giải quyết người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 8 Thông tư Liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, thì đối với hồ sơ đề nghị xác nhận giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị mắc bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính (quy định tại Khoản 10, Điều 7 Thông tư liên tịch số 20/2016/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 30/6/2016) chỉ áp dụng với đối tượng có giấy tờ có giá trị pháp lý được xác lập trước ngày 30/4/1975 ghi nhận bị mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên.
Trường hợp của ông nếu có giấy tờ ghi nhận bị mắc bệnh thuộc nhóm bệnh thần kinh ngoại biên như trên thì liên hệ với cơ quan chính sách tại địa phương để được xem xét, giải quyết theo quy định.