Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo một số tỉnh có tỷ lệ TNGT gia tăng. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, hiện nay vẫn chưa có giải pháp mạnh đối với những khu vực có sự gia tăng về TNGT. Ngoài ra, việc sử dụng các phương tiện để phạt nguội vi phạm giao thông như camera, thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) vẫn chưa thành nề nếp.
Từ tình hình trên, Phó Thủ tướng cho rằng, phải xử phạt nặng hơn đối với các hành vi vi phạm giao thông để đủ sức răn đe đối với những người cố tình vi phạm. Qua đó, cùng với các giải pháp khác để từng bước giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, đem lại cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Bởi nếu gia đình nào có người bị TNGT thì nguy cơ nghèo đói, con em thất học luôn rình rập, hiện hữu.
Trong quý I/2015, toàn quốc xảy ra 5.851 vụ TNGT, làm chết 2.345 người, bị thương 5.488 người, giảm 731 vụ so với cùng kỳ, giảm 82 người chết và 974 người bị thương. |
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành quyết liệt vào cuộc để kéo giảm TNGT, thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Quốc hội giao mà quan trọng hơn hết là bảo đảm tính mạng cho mỗi người dân, đem đến niềm vui cho mỗi gia đình.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết: Trong quý I/2015, tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước có chuyển biến tích cực. Số vụ, số người chết, bị thương tiếp tục giảm. Cụ thể, có 36 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT, trong đó có 12 địa phương giảm trên 20% số người chết (riêng Đồng Nai giảm trên 50%).
Tuy nhiên, vẫn còn 24 địa phương có số người chết vì TNGT tăng (16 tỉnh tăng trên 10%). Đặc biệt, có 5 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang.
Chỉ ra nguyên nhân cơ bản, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải là do nhu cầu giao thông tăng cao, nhất là các khu vực ngoài đô thị và các địa điểm diễn ra lễ hội. Bên cạnh những hạn chế chung về ý thức tham gia giao thông thì mức độ sử dụng rượu bia trong nhân dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong tháng Giêng.
Điều này dẫn đến tỷ lệ người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi nồng độ cồn trong người cao. Trong khi đó, lực lượng tuần tra kiểm soát ở khu vực nông thôn còn mỏng, xử lý còn xuê xoa. Hơn nữa, công tác tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn chưa được chú trọng đúng mức...
Đây là các nguyên nhân chính của những hành vi vi phạm như đi sai phần đường, làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, vi phạm các quy định về an toàn khi qua đường ngang giao cắt với đường sắt...
Nhiều đề xuất "mạnh tay" nhằm giảm TNGT
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Về mô hình kiểm soát tải trọng xe, Bộ trưởng nói cần thống nhất cảnh sát giao thông chủ trì, thanh tra giao thông phối hợp. Cũng như vậy, ở địa phương nào mà Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an và Giám đốc Sở GTVT thực sự vào cuộc thì nơi đó không còn chở quá tải, tiêu biểu như tại tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Nếu làm được như thế, đến hết quý II sẽ không còn xe quá tải trên địa bàn các tỉnh.
“Tới đây, Bộ GTVT sẽ tổ chức Hội nghị về vấn đề này. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự sẽ chia sẻ về kinh nghiệm xử lý xe quá tải. Đó là lãnh đạo ra đường, chỉ đích danh xe quá tải thì không doanh nghiệp nào dám vi phạm”, Bộ trưởng nói.
Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói sẽ xử lý nghiêm, kể cả cách chức lãnh đạo Cảng Hải Phòng nếu để các xe container vẫn chở quá tải đi vào cảng. Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ cách chức lãnh đạo các đơn vị quản lý đường bộ không làm nghiêm, để xe quá tải đi qua, phá nát các tuyến quốc lộ trọng điểm.
Ông Trần Xuân Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong quý I/2015, lực lượng công an toàn quốc phát hiện hơn 1 triệu trường hợp vi phạm an toàn giao thông, tăng so với cùng kỳ 2014. Trong đó, có nhiều trường hợp vi phạm và chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng: TNGT gia tăng một phần do việc quản lý, đào tạo, giáo dục lái xe lỏng lẻo, cộng với việc xử phạt chưa nghiêm minh nên còn một bộ phận người tham gia giao thông còn coi thường.
Ông Thanh đề nghị lắp camera theo dõi trên đường, kết hợp với thiết bị giám sát hành chính (hộp đen) được lắp trên xe ô tô để gửi thông tin về cho các cơ quan ra quyết định xử phạt và xử lý vi phạm của lái xe, không để cảnh sát giao thông có quyền thu phạt và xử lý trên đường nữa.
Lê Sơn