In bài viết

Không lập hồ sơ BHXH cho người lao động là vi phạm

(Chinhphu.vn) - Bà Nguyễn Hoàng Hải (Hà Giang) làm việc cho 1 công ty tư nhân được 2 năm nhưng chưa được đóng BHXH. Nay, bà yêu cầu công ty lập hồ sơ tham gia BHXH thì Giám đốc đề nghị mỗi bên đóng 10% lương. Bà Hải hỏi, Giám đốc công ty trả lời như vậy có đúng quy định không?

23/04/2013 09:20

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời thắc mắc của bà Hải như sau:

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

Điểm a, khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật BHXH quy định, người lao động tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.

Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.

Theo khoản 1, khoản 3 Điều 111 Luật này thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết HĐLĐ, HĐLV hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia BHXH cho tổ chức BHXH. Tổ chức BHXH có trách nhiệm cấp sổ BHXH trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ đối với người tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Mức đóng, tỷ lệ đóng BHXH

Khoản 2 Điều 94 Luật BHXH quy định, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ.

Căn cứ Điều 91, Điều 92, Điều 102 Luật BHXH; Điều 13 Luật Bảo hiểm Y tế, mức đóng BHXH hàng tháng đối với người sử dụng lao động và người lao động được tính theo mức tiền lương, tiền công ghi trong HĐLĐ và tỷ lệ đóng theo bảng tổng hợp sau:

Năm Người sử dụng lao động (%) Người lao động (%) Tổng cộng (%)
BHXH BHYT BHTN BHXH BHYT BHTN
1/2007 15 2

 
5 1

 
23
1/2009 15 2 1 5 1 1 25
Từ 1/2010 đến 12/2011 16 3 1 6 1,5 1 28,5
Từ 1/2012 đến 12/2013 17 3 1 7 1,5 1 30,5
1/2014 trở đi 18 3 1 8 1,5 1 32,5
Trường hợp bà Nguyễn Hoàng Hải đã làm việc cho một công ty được 2 năm, nhưng Công ty không lập hồ sơ tham gia BHXH cho bà Hải là vi phạm pháp luật về BHXH. Nay, bà Hải yêu cầu, công ty phải có nghĩa vụ làm thủ tục, nộp hồ sơ tham gia BHXH cho bà. Bà Hải có thể đối chiếu bảng mức đóng, tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN nêu trên để biết mức đóng BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động và người lao động tại từng thời điểm cụ thể, qua đó nhận thấy đề nghị của Giám đốc công ty mỗi bên đóng 10% là không đúng quy định.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 86/2010/NĐ-CP, đối với hành vi không lập hồ sơ tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết HĐLĐ, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý thì Công ty sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động; cùng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc lập, hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục cho người lao động trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Tin liên quan:

- Quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp nợ đóng BHXH

- Loại hợp đồng lao động phải tham gia BHXH bắt buộc

Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Ký hợp đồng lao động 3 tháng trở lên phải đóng BHXH

- Đơn vị còn nợ BHXH, có được hưởng chế độ hưu?