In bài viết

Không lợi dụng danh nghĩa cơ quan Thanh tra Chính phủ để trục lợi cá nhân

(Chinhphu.vn) - Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định 473/QĐ-TTCP ban hành Quy chế Văn hóa công sở của Thanh tra Chính phủ, trong đó nêu rõ một số hành vi bị cấm như lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cá nhân, danh nghĩa của cơ quan Thanh tra Chính phủ để gây ảnh hưởng hoặc giải quyết công việc nhằm trục lợi cho cá nhân, gia đình hoặc người thân (như vay, mượn, hứa hẹn chạy việc, chạy dự án, đề án...) chiếm dụng tiền hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

13/12/2022 18:33
Ban hành Quy chế Văn hóa công sở của Thanh tra Chính phủ - Ảnh 1.

Văn hóa công sở

Quy chế này quy định về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống và việc bài trí công sở, sử dụng thời giờ làm việc, trang phục, tiếp khách của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Thanh tra Chính phủ.

Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử

Quy chế quy định, trong giao tiếp ứng xử với đối tượng thanh tra, với người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, các quy định của Thanh tra Chính phủ về giao tiếp ứng xử trong công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các quy định của Đảng, Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị.

Đối với cấp trên: phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.

Đối với đồng nghiệp: phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức; không to tiếng, cãi nhau, đánh lộn nơi cơ quan, công sở. Ứng xử có văn hóa, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp; có thái độ trung thực, thân thiện, hợp tác, tôn trọng giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không dùng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều

Về ứng xử trên mạng xã hội, phải tìm hiểu kỹ lưỡng và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội. Nên sử dụng họ, tên thật của cá nhân và tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội; thông báo ngay tới cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh. Không cung cấp, trao đổi, đăng tin hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin nội bộ của cơ quan lên mạng xã hội, báo chí làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan, đơn vị, đoàn kết nội bộ, xúc phạm đồng nghiệp.

Tuân thủ Quy chế phát ngôn; không dùng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, làm xấu hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt - việc tốt.

Các hành vi bị cấm

Quy chế nêu rõ các hành vi bị cấm gồm:

1. Sử dụng thời giờ làm việc của cơ quan để làm việc riêng; sử dụng tài sản, thiết bị, phương tiện của cơ quan, đơn vị để phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc cho các hoạt động không thuộc nhiệm vụ, công vụ.

2. Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến cơ quan Thanh tra Chính phủ dưới mọi hình thức khi chưa được lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho phép; sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ, hình ảnh của cơ quan, đơn vị.

3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn của cá nhân, danh nghĩa của cơ quan Thanh tra Chính phủ để gây ảnh hưởng hoặc giải quyết công việc nhằm trục lợi cho cá nhân, gia đình hoặc người thân (như vay, mượn, hứa hẹn chạy việc, chạy dự án, đề án...) chiếm dụng tiền hoặc tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Có thái độ hoặc hành vi quan liêu, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, hạch sách, gây căng thẳng, bức xúc, dọa nạt; gợi ý đưa tiền, nhận tiền, quà biếu hoặc nhận giải quyết công việc bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc trái quy định để trục lợi cá nhân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, vướng mắc của tổ chức và người dân.

5. Nhận tiền, quà, tài sản; tổ chức giao lưu, ăn uống với đối tượng liên quan đến công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các công tác khác không đúng quy định.

6. Phân biệt đối xử về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, thành phần, địa vị xã hội, giới tính của người khác dưới mọi hình thức.

7. Sa vào các tệ nạn xã hội; thờ cúng trong phòng làm việc và các hoạt động mê tín dị đoan; sử dụng chất kích thích; hút thuốc lá trong khuôn viên cơ quan; tụ tập ăn, uống rượu, bia trong giờ hành chính; uống rượu, bia trong thời gian nghỉ trưa của ngày làm việc theo quy định.

8. Quảng cáo thương mại, mua bán hàng hóa, các hoạt động giao dịch kinh tế khác trong cơ quan.

9. Mang chất dễ cháy, chất độc, chất nổ, chất gây mùi xú uế vào trong trụ sở cơ quan, phòng làm việc.

10. Ăn mặc không phù hợp, phản cảm, sử dụng lời nói thô tục.

11. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định của pháp luật có liên quan.

Tuyết Lạc