Công tác quản lý của Nhà nước chỉ cần tập trung chủ yếu vào những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện |
Chúng tôi cho rằng, Dự thảo 4 cần được tiếp tục sửa đổi theo hướng tạo ra một khung pháp lý rõ ràng và ổn định cho doanh nghiệp (DN) và các hành động pháp lý cũng như các giao dịch liên quan đến DN.
Chỉ khi nào Dự thảo 4 làm rõ bản chất pháp lý của việc sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì DN và các bên tham gia giao dịch liên quan đến DN mới xác định được chính xác thời điểm phát sinh hiệu lực của các hành động pháp lý do DN thực hiện và các giao dịch liên quan đến doanh nghiệp.
Theo ý kiến của chúng tôi, trong việc quản lý các nội dung đang được quy định trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước không nên can thiệp sâu vào các hoạt động mang tính chất nội bộ trong DN, đặc biệt là liên quan đến các giao dịch thường xuyên của DN và thành viên hoặc cổ đông của DN (trừ khi sự can thiệp đó có lý do hợp lý về chính sách để thực hiện), nhằm giúp DN có thể dễ dàng vận hành và phát triển tốt hơn.
Tinh thần của Dự thảo 4 là DN được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Do vậy, công tác quản lý của Nhà nước chỉ cần tập trung chủ yếu vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thay vì quản lý mọi ngành, nghề.
Đối với những ngành, nghề thông thường, nếu cơ quan cấp phép đã cho phép DN kinh doanh những gì pháp luật không cấm, thì không cần quản lý các vấn đề không liên quan đến điều kiện kinh doanh (chẳng hạn, vốn điều lệ đối với ngành, nghề kinh doanh không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không yêu cầu vốn pháp định) hoặc có tính chất nội bộ DN (ví dụ, thay đổi người đại diện theo pháp luật và chuyển nhượng vốn giữa các thành viên và cổ đông).
Theo chúng tôi, việc sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh chỉ nên là thủ tục thông báo, trừ 3 trường hợp thay đổi sau:
Thứ nhất, thay đổi tên DN. Do tên DN cần đáp ứng một số yêu cầu về ký tự, phát âm, ý nghĩa và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể khác, việc thay đổi này cần xin chấp thuận của cơ quan cấp phép;
Thứ hai, thay đổi trụ sở chính. Do trụ sở chính liên quan đến việc tống đạt tài liệu cho DN, việc thay đổi này cần xin chấp thuận của cơ quan cấp phép;
Thứ ba, thay đổi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Với ý nghĩa là cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh có điều kiện của DN, việc thay đổi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cần xin chấp thuận của cơ quan cấp phép.
Trên cơ sở các phân tích trên, chúng tôi muốn góp ý bổ sung quy định sau vào Điều 35 của Dự thảo 4:
“DN chỉ phải thực hiện thủ tục đăng ký và xin chấp thuận của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với thay đổi về tên DN, trụ sở chính và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Thay đổi chỉ có hiệu lực tại thời điểm cơ quan đăng ký chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.
Trường hợp thay đổi những nội dung còn lại trong giấy chứng nhận đăng ký DN, DN được tự thực hiện các thủ tục nội bộ để tiến hành những thay đổi này và những thay đổi này sẽ có hiệu lực kể từ ngày có hiệu lực của các quyết định nội bộ của DN hoặc theo thỏa thuận của các bên liên quan đến thay đổi.
Sau khi thay đổi có hiệu lực, DN gửi văn bản thông báo nội dung thay đổi đó đến cho cơ quan đăng ký kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN sửa đổi, bổ sung. Việc cấp giấy chứng nhận đăng ký DN sửa đổi, bổ sung không ảnh hưởng đến hiệu lực của thay đổi”.
Theo Trương Nhật Quang - Ngô Chí Hoàng Yến (Báo Đầu tư)