Khi xã hội phát triển tiến bộ, các hình phạt nhằm vào thân thể con người được giảm đi hoặc được thay thế bằng các hình thức khác phù hợp hơn, trong đó có phạt tiền.
Tại Bộ luật Hình sự đầu tiên (ban hành năm 1985), hình thức phạt tiền đã được đưa vào với tư cách là một loại hình phạt và tiếp tục được quy định trong các lần sửa đổi tiếp theo sau này.
Hình phạt tiền được quy định thành hình phạt chính và hình phạt bổ sung, chủ yếu áp dụng cho các tội danh phát sinh từ trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính và một số tội phạm khác.
Về mặt thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng hình thức phạt tiền trong nhiều vụ án và đem lại những hiệu quả nhất định trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Nghiên cứu nguồn gốc từ xa xưa cho thấy, bản chất của hình phạt mà các nhà nước phong kiến đặt ra là dùng các biện pháp tác động nhằm vào thân thể (làm chết, gây thương tích, gây đau đớn) và tước quyền tự do cá nhân của người bị quy kết phạm tội.
Điều 30 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa ra khái niệm “Hình phạt”, trong đó có nêu“Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất…”.
Tuy nhiên, phạt tiền không thể xem “là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất”, bởi lẽ hình phạt này chỉ tác động vào lợi ích vật chất có ý nghĩa tước đoạt giá trị tài sản (giá trị này vẫn tái tạo được), nhưng không hạn chế quyền tự do cá nhân, một quyền đương nhiên con người được hưởng.
Một vấn đề cũng cần phải xem xét đến là, nếu duy trì phạt tiền là hình phạt chính, khi áp dụng, nó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của những người không phải là người phạm tội. Có thể lấy tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 134 của Dự thảo) làm ví dụ.
Theo điều luật nói trên, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Nếu người phạm tội là thành viên trong một gia đình thì rõ ràng số tiền bị phạt sẽ là gánh nặng cho gia đình, trong khi những thành viên khác không hề có lỗi.
Việc phạt tiền đối với pháp nhân cũng vậy, nếu pháp nhân là một doanh nghiệp cổ phần, thì việc phạt tiền sẽ tác động đến quyền lợi của các cổ đông, là những người không tham gia điều hành doanh nghiệp và không có lỗi khi pháp nhân phạm tội.
Từ những phân tích trên đây, theo ý kiến người viết, vấn đề phạt tiền chỉ nên giữ lại làm hình phạt bổ sung, bỏ quy định hình phạt chính là phạt tiền và đưa vào Bộ luật Hình sự với tư cách là biện pháp thay thế cho một số loại tội phạm như nộp tiền thay thế cho một số tội danh thuộc loại vô ý phạm tội, hay nộp tiền thay cho thời gian cải tạo tập trung hoặc cải tạo tại chỗ.
Luật sư Đoàn Công Thiện
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang