In bài viết

Không phải người hiến tạng nào cũng phải tự chi trả xét nghiệm

(Chinhphu.vn) – Mấy ngày gần đây, có thông tin người hiến tạng phải chi trả khoảng 17 triệu đồng cho các xét nghiệm khi hiến tạng, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia khẳng định, đây là thông tin khiến nhiều người nhầm lẫn rằng, việc đăng ký hiến tạng sẽ mất tiền và người hiến tạng cũng phải mất tiền xét nghiệm.

21/03/2018 15:04

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, theo "Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác" thì có 2 đối tượng hiến: Người hiến mô tạng lúc sống sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí sau khi hiến, được cấp thẻ BHYT miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép tạng... Người hiến tạng lúc sống cũng được hỗ trợ tiền thuê phòng ngủ nếu không thể đi về trong ngày; được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại khám sức khỏe định kỳ… Đối với những người có thẻ BHYT nếu đăng ký hiến tạng được BHYT thanh toán một số các xét nghiệm cơ bản như nhóm máu, nước tiểu hay chiếu chụp XQ...

Đối với người hiến tạng sau khi chết, hiến xác sẽ được được truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân, có chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài…

“Đặc biệt, với người hiến tạng sau khi chết não thì mọi thủ tục xét nghiệm để xác định có thể ghép được cho các bệnh nhân khác hay không hoàn toàn do bệnh viện (BV) chi trả, gia đình người hiến không phải bỏ ra bất kỳ khoản nào”, ông Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Với người hiến tạng khi còn sống chủ yếu là nguồn tạng từ người cùng huyết thống và gia đình tự sắp xếp. Số lượng này không nhiều và đa phần là gia đình hiến cho nhau nên đây không phải là vấn đề lớn.

Riêng với trường hợp hiến tặng cho người ngoài từ người còn sống, đã có rất nhiều cuộc tranh luận từ khi xây dựng dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, về vấn đề ai sẽ là người chi trả tiền cho các xét nghiệm trước khi hiến vì điều này nảy sinh một số bất cập.

Theo đó, ngành y tế chủ yếu khuyến khích việc hiến tạng ở bệnh nhân chết não - trừ một số trường hợp đặc biệt của người hiến tặng vô danh, vô vụ lợi mới tiếp nhận tạng từ người cho còn sống. Nếu miễn phí việc xét nghiệm, có thể xuất hiện những người có động cơ không trong sáng, như đăng ký hiến để kiểm tra sức khỏe miễn phí xong có thể không hiến nữa.

Nếu như vậy, ngân sách sẽ đội lên khủng khiếp vì chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…). Chẳng hạn, người hiến thận khi còn sống thì phải chụp cắt lớp, dựng hình 2 quả thận để giữ lại quả thận nào tốt hơn cho người hiến... Nhưng BHYT chưa thanh toán danh mục này, còn các BV không đủ tài chính để chi trả.

“Trên thực tế, chính sách, pháp luật thường đi sau thực tiễn nên khi phát sinh, nếu thấy vướng mắc, chưa phù hợp thì cần đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật mới để bảo đảm tính nhân văn của việc hiến tạng”, đại diện Trung tâm Điều phối tạng quốc gia chia sẻ.

Thúy Hà