In bài viết

Không quy định tính khấu hao đối với công cụ, dụng cụ

(Chinhphu.vn) – Theo ông Võ Hoàng Tiến Phát (Hà Nội) tham khảo Thông tư số 45/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thì tài sản cố định phải hội tụ đủ 2 yếu tố: Phải sử dụng trên 1 năm và phải có nguyên giá trên 10 triệu đồng.

19/08/2019 16:02
Ông Phát hỏi, đối với những thiết bị, công cụ, dụng cụ cơ khí như búa, tuốc nơ vít, kiềm, máy khoan, máy mài... thì thời gian tính khấu hao sẽ dựa vào quy định nào để đưa vào dự toán mua sắm (không có dự toán thì không có cơ sở mua sắm về sau) bởi giá trị của những thiết bị này thường chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng (nhỏ hơn 10 triệu đồng)?

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 7/5/2018 của Bộ Tài chính quy định về chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; không quy định tính hao mòn, khấu hao đối với những thiết bị, công cụ, dụng cụ.

Trường hợp những thiết bị, công cụ, dụng cụ đủ điều kiện là tài sản cố định theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 7/5/2018 của Bộ Tài chính thực hiện tính hao mòn, trích khấu hao tài sản cố định theo đúng quy định tại Thông tư số 45/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, do câu hỏi của ông Phát không nêu rõ đơn vị là doanh nghiệp hay đơn vị hành chính sự nghiệp. Vì vậy, trường hợp đơn vị là doanh nghiệp thì tại các chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành (Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014, Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016) và Thông tư số 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành đã hướng dẫn quản lý, sử dụng, hạch toán kế toán đối với công cụ, dụng cụ.

Chinhphu.vn