Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Phó Thủ tướng, điện năng có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu và là một nhân tố quyết định thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Những năm vừa qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành điện, trong đó có Bộ Công Thương và các tập đoàn kinh tế Nhà nước mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực, cố gắng đầu tư phát triển hệ thống điện và đã đáp ứng yêu cầu cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn như rất nhiều đại biểu đã nêu.
"Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Chúng ta thấy cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh. Quy hoạch Điện 7 quy hoạch với tổng công suất nguồn của các giai đoạn không có thay đổi đáng kể nhưng thay đổi cơ cấu, từ đó dẫn đến chúng ta phải điều chỉnh quy hoạch. Nếu không sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cơ cấu nguồn điện có sự thay đổi lớn (so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) do: Dừng phát triển điện hạt nhân, các dự án nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn do có quan ngại về ô nhiễm môi trường, nguồn thủy điện có nhiều ưu điển thì cơ bản hết công suất khai thác (khoảng 20.000 MW). Nhiều dự án lớn chậm tiến độ, cụ thể trong số 60 dự án có công suất từ 200 MW trở lên, có đến 35 dự án chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa, với công suất khoảng 39.000 MW, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện 7 nhằm bổ sung thêm các nguồn điện. Trong đó, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt này. Hơn nữa nguồn điện mặt trời, điện gió có rất nhiều ưu việt như không ô nhiễm môi trường, không tốn nhiên liệu. Bên cạnh đó, giá điện có xu hướng giảm và đầu tư phân tán và là điện sạch nên rất dễ huy động nguồn vốn không chỉ trong nước, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn huy động được nguồn vốn nước ngoài.
Chưa đầy 2 năm, ngành điện đã huy động được khoảng 4.500 MW điện mặt trời và gần 400 MW điện gió, từ đó góp phần bù đắp lại phần thiếu hụt điện và đáp ứng yêu cầu cung ứng đủ điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân.
"Cái khó thứ hai là nhu cầu đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện rất lớn", Phó Thủ tướng đánh giá, đồng thời cho biết, sơ bộ đánh giá thì từ nay đến năm 2030, chúng ta cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD (bình quân khoảng 12 tỷ USD/năm), trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện.
"Như vậy là rất khó để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư này và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc đầu tư nguồn điện còn mất cân đối giữa các vùng miền trong cả nước. "Chúng ta thấy rất rõ là khu vực phía nam tiêu dùng điện chiếm khoảng 50% của cả nước nhưng chỉ sản xuất khoảng chưa đầy 40%. Còn miền Bắc và miền Trung tiêu thụ khoảng 50% nhưng sản xuất đến 60%. Do đó, chúng ta phải tiếp tục xây dựng đường dây tải điện Bắc Nam mạch số 3 để điều tiết điện khu vực phía nam", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài ra, nguồn điện tái tạo nhiều địa phương hiện nay còn rất khó khăn do việc đầu tư đường dây tải điện chậm hơn so với việc đầu tư nguồn điện và thiếu đồng bộ. Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là một hạn chế cần phải tìm rõ nguyên nhân.
Nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than và khí ngày càng lớn. Hiện nay, ta thiếu cả nhiên liệu than, khí cho phát triển ngành điện, dẫn đến phải nhập than, khí thiên nhiên, khí LNG với quy mô lớn (năm 2025 phải nhập khoảng 31 triệu tấn than, năm 2030 khoảng 50 triệu tấn than, chưa nói đến phải nhập một lượng khí LNG lớn cho nhiều trung tâm điện khí).
Cần điều chỉnh quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện chậm tiến độ
Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2021 đến năm 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng yếu.
Trước hết là phải tập trung lập Quy hoạch Điện 8 giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đổi mới công tác lập quy hoạch.
Quy hoạch chủ yếu chỉ tập trung vào việc: Xác định quy mô công suất nguồn điện cho từng giai đoạn, xác định cơ cấu nguồn điện theo hướng tăng nguồn điện tái tạo, tăng điện khí trong cơ cấu nguồn điện so với Quy hoạch Điện 7. Vấn đề nữa là xác định không gian để phân bổ điện hợp lý, tranh thủ những tiềm năng lợi thế của các địa phương, các khu vực để bố trí dự án. Chẳng hạn như điện mặt trời thì bố trí khu vực có nhiều nắng như Trung Nam Bộ, các địa phương phía nam, hoặc những dự án điện khí thì phải bố trí những khu vực có khả năng xây dựng được những cảng kho khí đáp ứng yêu cầu vận tải.
Mặt khác, Phó Thủ tướng cho rằng, phải bố trí các nguồn điện phù hợp với nhu cầu dùng điện của mỗi địa phương để tránh việc mất cân đối về đáp ứng nhu cầu điện như hiện nay. Phải tập trung quy hoạch đường truyền tải đáp ứng yêu cầu giải toả công suất và truyền tải an toàn hiệu quả.
"Quy hoạch Điện 8 đến năm 2021 thì mới có thể phê duyệt được cho nên trước mắt phải tập trung điều chỉnh Quy hoạch Điện 7. Vấn đề này đã có đầy đủ cơ sở pháp lý do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ sắp ra một nghị quyết để quy định quy hoạch tích hợp được bổ sung vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Hiện nay đang tập trung để ra nghị quyết này", Phó Thủ tướng cho biết. Trong nghị quyết này, trên cơ sở tính toán tổng thể công suất nguồn và cơ cấu nguồn điện trong từng giai đoạn sẽ điều chỉnh, bổ sung các nguồn điện mới vào quy hoạch; trong đó tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí.
Trên cơ sở quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, từ đó xác định các dự án ưu tiên để huy động vốn đầu tư thực hiện và phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện chậm tiến độ, sớm đưa vào hoạt động như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, sông Hậu 1, Long Phú 1...
Riêng về Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, theo Phó Thủ tướng, hiện nay đã hoàn thành khoảng trên 80% khối lượng công việc, chỉ cần đầu tư 2.000 tỷ đồng nữa sẽ hoàn thành dự án này. Việc đưa dự án khoảng 1.200 MW vào hoạt động sẽ góp phần rất quan trọng cung cấp thêm nguồn điện cho phát triển sản xuất.
Phó Thủ tướng cho rằng, phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đã xong thủ tục đầu tư để sớm thực hiện đầu tư, như Nhiệt điện Vân Phong 1, cụm Nghi Sơn, Nhơn Trạch,... đẩy nhanh tiến độ các dự án chuỗi điện khí Cá voi xanh và Lô B, sớm xác định quy mô nguồn điện tại các cụm điện khí LNG (Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná) trong tổng thể Quy hoạch Điện 8 (dự kiến) gắn với phát triển các kho cảng khí.
Theo Phó Thủ tướng, có nhà đầu tư đề nghị đầu tư với tổng công suất điện khí Bạc Liêu là 3.200 MW và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch và yêu cầu Bộ Công Thương phải tính toán tổng thể đảm bảo cơ cấu nguồn điện hợp lý trong tổng thể các dự án điện khí trong giai đoạn đến năm 2030. Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay Bộ này mới trình bổ sung là trên 800 MW trong tổng thể 3.200 MW.
"Nếu như vậy thì rất khó khăn cho việc lập kế hoạch đầu tư tổng thể, đặc biệt là cảng và kho khí", Phó Thủ tướng nêu rõ, đồng thời cho biết thêm, vấn đề này, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương xem xét kỹ thêm để bổ sung quy hoạch cụm điện khí Bạc Liêu trong tổng thể các cụm khí của cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể đầu tư đồng bộ.
"Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía nam để chúng ta bù đắp phần thiếu hụt, giảm việc vận tải điện từ phía bắc", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện nhập khẩu điện đảm bảo nhu cầu điện gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh. Tập trung thực hiện các dự án truyền tải điện, trong đó đẩy nhanh tiến độ đường dây 500 kV (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku) để đảm bảo giải tỏa công suất các trung tâm điện lực và đáp ứng truyền tải điện cho khu vực phía nam, khu vực nông thôn, vùng núi, hải đảo.
Một vấn đề cũng được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư phát triển của ngành điện, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn cho những dự án lớn.
"Riêng vướng mắc về huy động cho đầu tư đường truyền tải điện, hiện đang vướng Luật Điện lực. Luật Điện lực có quy định Nhà nước độc quyền về truyền tải điện. Nhưng độc quyền ở đây không có nghĩa độc quyền cả về đầu tư, mà là độc quyền quản lý. Còn đầu tư phải huy động các nguồn vốn xã hội. Vấn đề này phải rõ như vậy. Hiện nay và trước đây chúng ta vẫn làm như thế này rồi. Tất cả các nhà máy điện hiện nay, chúng ta đều làm đường truyền tải đấu nối với đường truyền tải chính".
Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng Nhà nước độc quyền quản lý về đường truyền tải điện thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng cũng đồng thời phải tạo cơ chế, chính sách cho huy động đầu tư các nguồn vốn khác.
Xuân Tuyến-Nhật Bắc