Lãnh đạo bộ GTVT và Đại sứ thiện chí Unicef người mẫu Hà Anh trao mũ bảo hiểm cho các học sinh tượng trưng cho cam kết vì sự an toàn của trẻ em trên đường phố Việt Nam - Ảnh: Chinhphu.vn
|
Trong đó học sinh tiểu học chỉ có 8,7% -27,1% được đội mũ bảo hiểm, học sinh THCS khoảng 9,2%- 55,4% và học sinh THPT 32,1%- 65,9%.
Theo khảo sát của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội về tình hình sử dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em năm 2011, trong khi cha mẹ là người quyết định chính trong việc mua mũ bảo hiểm và đội mũ cho con thì có đến 2/3 cha mẹ không biết tuổi chính xác trẻ phải đội mũ bảo hiểm theo Nghị định 34/NĐ-CP là bao nhiêu.
Chưa kể có những cha mẹ mặc dù hiểu tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em nhưng họ vẫn không đội mũ cho con với lý do quãng đường di chuyển ngắn, tốc độ chậm nên không thể xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó không ít trẻ có tâm lý sợ bị cô lập, chế diễu khi đội mũ bảo hiểm nên đã không muốn đội khi tham gia giao thông
Trong khi đó, theo các chuyên gia về an toàn giao thông, bất cứ ai muốn tham gia giao thông bằng xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy cách nhằm giảm thiểu tối đa thương tích khi va chạm. Bởi nếu không đằng sau những tai nạn sẽ không bao giờ có thể lường được hết thảm kịch
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, từ năm 2005-2010, mỗi năm trung bình có khoảng 12.000 -14.000 người thiệt mạng và trên 20.000 người bị thương do tai nạn giao thông, trong đó trẻ em chiếm khoảng 35%.
Còn theo Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội) Nguyễn Trọng An, tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong sau chết đuối ở lứa tuổi 0-19 tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích ở trẻ em.
Điều đáng nói hơn, tai nạn thương tích đối với trẻ em không những ảnh hưởng tới gia đình, đất nước mà còn làm đảo lộn trật tự xã hội. Theo ông Nguyễn Trọng An chi phí ước tính cho một tai nạn thương tích khoảng gần 32 triệu đồng, một trường hợp tử vong khoảng 320 triệu đồng và ước tính chi tiêu quốc gia cho tai nạn thương tích trẻ em hàng năm khoảng 11 nghìn tỷ đồng, chưa kể nỗi đau mất con bất ngờ hay con bị thương tích tàn tật suốt đời.
Tăng cường các giải pháp chuyên đề
Tại Hội thảo tổng kết họat động năm 2011 và phát động tuyên truyền năm 2012 về việc đội mũ cho trẻ em do Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á diễn ra hôm nay 12/12, đại diện các bộ ngành đều thống nhất cần có các giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
Các ý kiến đều cho rằng chiến dịch truyền thông cần tuyên truyền tập trung vào đối tượng chính là cha, mẹ nhằm thay đổi nhận thức trong việc sử dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em cũng như tuyên truyền những thông tin về mũ bảo hiểm, về kích cỡ, kiểu dáng, chất lượng và tác dụng của mũ bảo hiểm
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cùng với các giải pháp cần có chế tài xử phạt nghiêm minh và bình đẳng kèm theo đối với các hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông, ngoài ra các cơ quan cần thiết lập tình trạng khẩn cấp các trạm sơ, cấp cứu cho những tuyến đường giao thông chính.
Về phía trách nhiệm của mình, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, Bộ đã xây dựng chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011-2015 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ tới đây, theo đó trong 5 tiểu dự án, sẽ có một dự án được bộ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng và nhân rộng mô hình an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em.
Thừa nhận việc xử phạt vi phạm cha mẹ không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông thời gian qua chưa quyết liệt và nghiêm khắc, do vậy Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ- đường sắt Đại tá Nguyễn Văn Tuyên cho biết cần tăng cường xử lý vi phạm này và thời gian tới các lực lượng chức năng của ngành cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo từng chuyên đề và tổ chức thành các đợt chuyên đề cao điểm nhằm từng bước thay đổi nhân thức của người lớn phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật khi cùng trẻ em tham gia giao thông.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ cũng đã có các kế hoạch hành động cụ thể, tới đây Bộ sẽ có các đợt chỉ đạo đổi mới phương pháp tuyên truyền giao thông cho học sinh theo hướng chủ động và gắn với các hoạt động ngoại khóa, gắn trách nhiệm của hiệu trưởng với các chương trình hành động
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng, bảo đảm an toàn giao thông đường bộ cho thanh thiếu nhi và cộng đồng là nhiệm vụ lâu dài. Mặc dù khó khăn nhưng hoàn toàn có thể cải thiện được tình hình nếu các tầng lớp nhân dân nhận thức được đầy đủ.
Linh Đan