Ông Trịnh Quốc An khám bệnh tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, được bác sĩ cấp giấy cho nghỉ 5 ngày hưởng BHXH. Sau đó, ông về nhà dưỡng bệnh và tái khám ở Bệnh viện Lê Lợi, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau khi khám xong ông An mới trình thẻ BHYT và xin nghỉ hưởng BHXH thêm một số ngày vì chưa hết bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ tại Bệnh viện Lê Lợi không cấp giấy nghỉ ốm với lý do ông khám trái tuyến và không xuất trình thẻ BHYT từ khi làm thủ tục. Ông An hỏi, bác sĩ giải quyết như vậy có đúng luật không?
Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời như sau:
Việc bác sĩ tại bệnh viện Lê Lợi không cấp giấy nghỉ ốm được hưởng BHXH cho người bệnh vì khám trái tuyến và không xuất trình thẻ BHYT ngay khi làm thủ tục nhập thông tin là không có cơ sở. Lý do, việc cấp giấy xác nhận nghỉ ốm để làm căn cứ hưởng chế độ BHXH chỉ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh không liên quan đến việc người bệnh có thẻ BHYT hay không.
Theo hướng dẫn ghi thông tin trên giấy nghỉ ốm được hưởng chế độ BHXH, tại dòng 2 mẫu C65-HD1; C65-HD2 đã hướng dẫn rõ là chỉ ghi số thẻ BHYT của người bệnh, nếu người bệnh không trình thẻ BHYT hoặc chưa được cấp thẻ BHYT thì ghi rõ là “không trình thẻ BHYT” hoặc “chưa được cấp thẻ BHYT”.