Ở Sadovod có gần 1.000 hộ với khoảng 7.000 người Việt Nam làm ăn, buôn bán. Điểm đặc biệt của người Việt kinh doanh ở các chợ lớn của Moskva là họ hầu như không nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán.
Do tiền thuê quá cao, những người bán chỉ dọn hàng sớm để mừng thời điểm Giao thừa, chuyển sang Năm mới, hôm sau lại đi bán hàng. Năm nay là một năm khó khăn với người Việt ở LB Nga. Chính vì thế, mọi người đón mừng Năm mới với nhiều tâm trạng khác nhau.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, hơn một năm nay, chợ Sadovod có thêm khu nhà mới xây, khang trang, sạch đẹp và ấm áp hơn hẳn trước đây. Khu nhà cũng có thêm cả chỉ dẫn bằng tiếng Việt, điều cho thấy những đóng góp của người Việt tại khu thương mại rộng 40 ha ở thủ đô Moskva này, một trong hai khu chợ lớn nhất ở LB Nga.
Có thể nói, người Việt kinh doanh tại chợ Sadovod chính là những người đi tiên phong về phương thức bán hàng qua mạng tiên tiến và tiện lợi.
Nhiều người Việt đã "ăn nên làm ra" nhờ phương thức kinh doanh này, đặc biệt là những hộ kinh doanh quần áo trẻ em. Anh Nguyễn Ngọc Hợi, quê Vĩnh Phúc, đã 19 năm sinh sống tại LB Nga, là một trong những người thuộc thế hệ này. Tuy nhiên, năm 2022, theo anh Hợi, "bán hàng qua mạng hay qua đâu thì sức mua cũng kém, giảm rất nhiều". Anh cho biết: "Công việc năm nay nhìn chung khó khăn, từ năm ngoái đến năm nay khó khăn. Vấn đề vượt qua được khó khăn này chưa biết đến bao giờ vì xung đột còn kéo dài. Sức mua giảm đi rất nhiều, khoảng 70%".
Theo anh Hợi, cũng như mọi năm, tuy năm nay anh không thể về Việt Nam ăn tết, song gia đình vẫn tổ chức bữa cơm tất niên, nấu những món ăn của người Việt Nam và tổ chức mừng Năm mới theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Trước thềm Năm mới Quý Mão, anh Hợi bày tỏ: "Em có mong muốn duy nhất là xung đột kết thúc, mọi thứ trở lại lưu thông như bình thường".
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mận, quê Phúc Thọ, Hà Nội, một người kỳ cựu, sang Liên Xô từ năm 1987, cho biết chị đã sống ở LB Nga 35-36 năm và chỉ về Việt Nam ăn Tết được hai lần.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, mặc dù ở Moskva vẫn có thể sắm đầy đủ các món đồ ăn Tết như ở Việt Nam, song người Việt đi chợ hầu như không được nghỉ vì "Arenda (tiền thuê) bên này rất cao". Người Việt chỉ nghỉ sớm vào chiều 30 Tết để mừng thời điểm Giao thừa, "hôm sau lại đi chợ bình thường, không được nghỉ ngày nào".
Nhắn nhủ về quê nhà nhân dịp Năm mới, chị Mận mong muốn bố mình, đã 85 tuổi, luôn mạnh khỏe, "chúc mọi người mãi mãi mạnh khỏe. Chúc cho cộng đồng Việt Nam mạnh khỏe và công việc tốt, luôn có thu nhập để giúp đỡ gia đình và giúp cho những mảnh đời còn khó khăn ở Việt Nam".
Trong khi đó, đối với các cô gái trẻ Phạm Thị Vân, quê ở Thanh Hóa; và Nguyễn Thị Huế, quê ở Thái Bình, sang Nga trên dưới 10 năm, niềm mong ước của họ trong năm mới đó là công việc làm ăn sẽ tiến triển hơn để họ có thể về Việt Nam ăn Tết hay có một cuộc sống ổn định hơn, suôn sẻ hơn.
Em Phạm Thị Vân, quê Thanh Hóa chia sẻ: "Ở bên này không khí có thể không được như ở nhà, nhưng cháu vẫn gói bánh chưng, mua giò, chả, nấu cơm giống kiểu quê nhà mình để cúng tất niên ở nhà, cũng có canh măng, các món truyền thống của Việt Nam". Em Vân cho biết năm nay em chỉ thu xếp được cho chồng và con trai về Việt Nam ăn Tết. Ẹm mong muốn sang Năm mới "kinh tế sẽ ổn định hơn, được về ăn Tết ở quê nhà, có cảm giác được sum vầy với mọi người ở quê nhà". Trong khi đó, em Nguyễn Thị Huế thổ lộ: "Tâm trạng rất nhớ nhà. Sang năm 2023 em mong tất cả người dân buôn bán ở Nga có cuộc sống ổn định hơn, mọi chuyện thuận lợi hơn, công việc suôn sẻ hơn".
Bất chấp những khó khăn trong năm 2022 vừa qua, phong trào quyên góp làm thiện nguyện của người Việt ở Moskva nói chung, cũng như người Việt tại chợ Sadovod vẫn tiếp tục phát triển. Trong năm vừa qua, người Việt Nam tại chợ Sadovod đã thu thập, quyên góp để gửi rất nhiều chuyến hàng quần áo, đồ dùng tới các nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, hỗ trợ những người chạy khỏi khu vực xung đột, qua đó tạo nên hình ảnh đẹp của người Việt Nam trên quê hương thứ hai của mình.
TTXVN