In bài viết

Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh: Ì ạch, vì sao?

Trước thực trạng các dự án ở Khu du lịch Bắc bán đảo (KDL BBĐ) Cam Ranh (huyện Cam Lâm) triển khai quá chậm, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có “đột phá” đổi mới chủ trương để kích thích, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, việc giải quyết bài toán này không dễ dàng bởi nguyên nhân của sự… ì ạch là do năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư có vấn đề.

30/05/2011 15:04

Làm dự án với tiến độ “rùa”

KDL BBĐ Cam Ranh được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch vào đầu năm 2004 với tổng diện tích khoảng 2.300 ha. Ngay sau đó, Khánh Hòa đã kêu gọi đầu tư vào khu du lịch này với định mức đầu tư 25 tỷ đồng/ha, mật độ xây dựng không quá 15%. Đến đầu năm 2006 đã có 58 nhà đầu tư trong nước “xí phần” đăng ký xây dựng các dự án du lịch tại đây.

Năm 2007, UBND tỉnh Khánh Hòa thu hồi hơn 20 dự án của các nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu kém. Rút kinh nghiệm, sau đó tỉnh yêu các nhà đầu tư còn lại ứng trước tiền thuê đất để tạo sự ràng buộc và nâng cao trách nhiệm của họ.

30 doanh nghiệp có dự án tại KDL BBĐ Cam Ranh đã nộp trước tiền thuê đất hơn 540 tỷ đồng, đồng thời cam kết nếu triển khai chậm thì tỉnh có quyền thu hồi dự án và chịu mất luôn số đã đóng. Đồng thời, Khánh Hòa đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các dự án…

Với những động thái đó cùng sự thông thoáng về cơ chế chính sách, không ít người kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án. Thế nhưng, đến nay các dự án ở KDL BBĐ Cam Ranh vẫn ì ạch; trong đó có những dự án gần như bất động.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Khánh Hòa, đến cuối tháng 4/2011, tại KDL BBĐ Cam Ranh có 30 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 27 dự án ở phía Đông và 3 dự án phía Tây đại lộ Nguyễn Tất Thành. Hiện tại, mới có 7 dự án được cấp phép xây dựng, 6 dự án hoàn thành thủ tục đền bù giải tỏa và có quyết định cho thuê đất nhưng chưa có giấp phép xây dựng, còn lại 17 dự án đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư.

Theo Sở KH-ĐT Khánh Hòa, việc chậm trễ thực hiện các bước thủ tục đầu tư cũng như tình trạng chậm thi công công trình của các nhà đầu tư đã thể hiện và nhà đầu tư không có đủ khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết.

Mở hết “cửa” và… tiếp tục chờ!

Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải lần thứ 3 tổ chức hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư có dự án tại KDL BBĐ Cam Ranh để nắm bắt tình hình, trao đổi chủ trương mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tại khu vực này.

Với quyết tâm tái khởi động các dự án KDL BBĐ Cam Ranh, Khánh Hòa đưa ra một số chủ trương mới như: Giao đất ổn định lâu dài đối với khu nhà ở biệt thự cho thuê để các nhà đầu tư có thể bán biệt thự du lịch lấy tiền làm dự án; cho phép nhà đầu tư liên doanh với các đối tác trong nước để thực hiện dự án (trước đây chỉ cho phép liên doanh với nước ngoài) để huy động tiền nhàn rỗi trong dân, cho phép nhà đầu tư lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền theo từng năm hoặc trả tiền một lần, nâng mật độ xây dựng từ 15% lên 25%...

Có thể nói, trong “ván bài” đầu tư ở KDL BBĐ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa đã “mở hết các cửa” ưu đãi cho nhà đầu tư và trách nhiệm “ghi bàn” thuộc về các chủ dự án. Thế nhưng những người am hiểu nội tình đều nhận định: Sẽ không dễ để các nhà đầu tư hoàn thành nhiệm vụ bởi vướng mắc lớn nhất với họ không phải cơ chế, mà chính là năng lực tài chính và quyết tâm của các chủ dự án.
Ông Lê Mộng Điệp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa, phân tích: “Hiện nay, ở KDL BBĐ Cam Ranh đang tồn tại 3 nhóm nhà đầu tư: các nhà đầu tư có tiền nhưng không dám mạo hiểm vì lo ngại triển khai sớm sẽ không có khách; các nhà đầu tư quyết tâm làm nhưng gặp khó khăn về tài chính; nhóm các nhà đầu tư đang tìm cách chuyển nhượng dự án”.

Cùng quan điểm, ông Võ Tấn Thái – Giám đốc Sở KH-ĐT Khánh Hòa, bày tỏ: “Phải nói thẳng với nhau, năng lực tài chính của nhiều nhà đầu tư quá yếu. Một số nhà đầu tư không muốn hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, thay vào đó tìm cách để chuyển nhượng dự án”.

Theo ông Thái, thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các nhà đầu tư lợi dụng chủ trương mới của UBND tỉnh cho liên doanh, liên kết để sang nhượng dự án trái phép. Trao đổi bên lề hội nghị, ông Thái còn cho biết, trong số các nhà đầu tư ở KDL BBĐ Cam Ranh chỉ một số ít có năng lực thực sự, nhưng họ lại e ngại đầu tư sẽ không có khách vì thiếu các dịch vụ phụ trợ.

“Tối hậu thư”

Tại hội nghị, bà Phan Như Quỳnh – Chủ đầu tư dự án KDL Đỉnh Vàng, cũng bày tỏ sự e ngại này: “Cơ sở hạ tầng ở đây rất tốt nên không có gì phải phàn nàn. Ngay sau khi được cấp phép xây dựng, Công ty Đỉnh Vàng sẽ triển khai thi công và chắc chắn hoàn thành dự án đúng cam kết, nhưng tôi rất lo nếu chỉ có 1 dự án của chúng tôi giữa bãi cát hoang vu thì sẽ không ai đến”.

Việc tỉnh Khánh Hòa có “đột phá” thay đổi về chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho nhà đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với điều đó, Khánh Hòa cũng cần có một cuộc “đại phẫu” để loại bỏ những nhà đầu tư yếu kém, không đủ năng lực dự án thay vì kéo dài từ năm này qua năm khác như hiện nay.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là cho phép nhanh, thu hồi cũng nhanh. Đây là lần cuối cùng tỉnh cho phép các chủ đầu tư gia hạn thời gian thực hiện dự án. Nếu tiến độ các dự án vẫn tiếp tục chậm, UBND tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi”.

Thành Nguyễn