In bài viết

Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và các tỉnh duyên hải miền Trung

Hồ du lịch Măng Đen - Ảnh: Mỹ Thu. Thác nước Đăk Tăng - Ảnh: Mỹ Thu.

24/11/2011 08:55

Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một dự án lớn, đi qua 13 tỉnh của 4 nước, từ thành phố Cảng Mawlamine của Myanma qua Thái Lan, Lào và Việt Nam. Là một trong 5 hành lang Kinh tế thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), đã được thảo luận và nhất trí thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng các nước Tiểu vùng Mê Kông lần thứ 8 tháng 10/1998.

Ở Việt Nam hành lang kinh tế Đông Tây bắt đầu từ cửa khẩu Lao Bảo, qua các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và kết thúc tại Đà Nẵng. Cùng với một số tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, hành lang kinh tế Đông – Tây nối với Tây Nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanma tạo thành tuor du lịch khép kín không lặp lại.
Sự ra đời và phát triển của hành lang kinh tế Đông - Tây tạo điều kiện cho các tỉnh thuộc các nước trên tuyến hành lang và các tỉnh lân cận, nối dài hành lang khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền về vị trí địa lý, kinh tế, văn hóa, lịch sử, nhân lực trong phát triển. Trong đó, hợp tác liên kết du lịch giữa các vùng địa phương từ du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, môi trường, đến du lịch văn hóa, lịch sử... hết sức quan trọng. Hiện nay, hạ tầng giao thông phát triển mạnh đã cho phép kết nối các di sản văn hóa thế giới Sukhothai (Thái Lan), Huế, Phong Nha, Hội An, Mỹ Sơn …, thực hiện sáng kiến “ba nước, một điểm đến”. Ý tưởng “ăn sáng trên đất Thái Lan, ăn trưa tại Lào, tắm biển và ăn tối tại miền Trung Việt Nam” đến nay đã trở thành hiện thực.
Kon Tum được xem là điểm trung chuyển trên tuyến hành lang thương mại quốc tế nối từ Myanma - Đông Bắc Thái Lan - Nam Lào với khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ của Việt Nam. Đây là tuyến hành lang thương mại Đông - Tây ngắn nhất qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và là hành lang khai thác các loại hình du lịch đa dạng và hấp dẫn, được kết nối từ “cong đường di sản miền Trung” qua Quốc lộ 24 đến với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, sang Vát Phou (Lào) sau đó sẽ mở rộng sang Thái Lan, Myanmar, làm nên “con đường di sản thế giới”.
Hồ du lịch Măng Đen - Ảnh: Mỹ Thu.
Măng Đen được nhìn nhận là điểm khởi đầu của tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”, được kết nối với tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia. Đặc biệt, từ Măng Đen “Con đường xanh Tây Nguyên” sẽ vượt qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) để hình thành tuyến du lịch “Con đường di sản Đông Dương”, nối các di sản thế giới của Việt Nam với các di sản thế giới của 2 nước bạn: Lào, Campuchia…
Măng Đen có thế mạnh gì trong việc tận dụng lợi thế của hành lang kinh tế Đông - Tây, vùng duyên hải miền Trung và Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y để phát triển du lịch?
Huyện Kon Plông cách thành phố Kon Tum khoảng hơn 50 Km dọc theo Quốc lộ 24 về hướng Đông - Bắc của tỉnh Kon Tum, với tổng diện tích đất tự nhiên là 137.964 Km 2 trong đó phần lớn là đất lâm nghiệp; có 91,23% dân số là người dân tộc thiểu, gồm 4 thành phần dân tộc chủ yếu (Mơ Nâm, Kdông, Sê đăng, Hre) và một số thành phần dân tộc khác sống chan hòa, đan xen, đoàn kết với nhau, với mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt văn hóa khác nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng trong phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.
Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, Kon Plông có kiểu khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 16-22 0 C, độ ẩm trung bình 82-84%. Thế mạnh của du lịch sinh thái Măng Đen chính là ở cảnh quan thiên nhiên: rừng có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên; có nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống; tập trung nhiều suối đá, thác (Đăk Ke, Pasih, Lô Ba), hồ (Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô)… thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học.
Thác nước Đăk Tăng - Ảnh: Mỹ Thu.
Ngoài điều kiện tự nhiên thuận lợi cho loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Kon Plông còn có tiềm năng về thủy điện trên địa bàn huyện rất lớn, như thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện ĐăkPôNe, thủy điện ĐăkRe, thủy điện Đăk Lô, thủy điện ĐăkHRing ... Thủy điện Đăk PôNe nằm trong khu vực quy hoạch khu du lịch sinh thái Măng đen, đến nay đã hòa vào lưới điện quốc gia. Đối với thủy điện thượng Kon Tum có tổng công suất 220 MW, được khởi công xây dựng vào cuối năm 2009 với tổng vốn đầu tư 5.744 tỷ đồng. Trong tương lai, việc khai thác sản phẩm du lịch trên các lòng hồ thủy điện trong và ngoài khu du lịch sinh thái Măng Đen đều có khả năng tạo động lực phát triển bền vững, đa dạng.
Với điều kiện tự nhiên và khí hậu ở Măng Đen rất thích hợp với việc trồng các loại rau, hoa xứ lạnh; phát triển nuôi cá hồi, cá tầm (loại cá xứ lạnh Châu Âu); đồng thời có rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm sinh sống và rừng cây Sim rộng lớn cho quả mọng nước. Do đó, thuận lợi cho việc phát triển vùng rau, hoa xứ lạnh, chè Ô Long, sản xuất các sản phẩm từ Sim và đầu tư các cơ sở nuôi các loại động vật như: hưu, nai, heo rừng, nhím, gà rừng, chim trĩ, trăn và nhiều loại động vật quý hiếm khác…góp phần đa dạng sản phẩm du lịch cho Khu Du lịch Măng Đen.
Kon Plông có vị trí khá thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, là vị trí trung chuyển của Quốc lộ 24 nối liền giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum. Hiện tại, Chính phủ đang đầu tư nâng cấp Quốc lộ 24 qua 3 xã và Trung tâm huyện; đường Trường sơn Đông nối liền từ nam Quảng Nam đi qua xã Hiếu, Ngọc Tem - huyện Kon Plông, cắt ngang qua Quốc lộ 24, về Kơ Bang-Gia Lai; UBND tỉnh Kon Tum đầu tư tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh dài gần 59 km, nối liền 3 huyện Kon Plông-Đăk Glei-Tu mơ rông nối dài gặp đường Hồ Chí Minh; nâng cấp tỉnh lộ 676 kéo dài nối liền với đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Ngọc Linh… Đây là những tuyên đường huyết mạch, sau khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế-xã hội, khai thác du lịch sinh thái Măng Đen gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. Vì vậy, không những được Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh, Kon Plông còn được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch du lịch sinh thái Quốc gia.
Đặc biệt, lợi thế của Măng Đen trong mối liên hệ với Hành lang kinh tế Đông - Tây là tạo thành một Tour du lịch khép kín, không lặp lại, qua nhiều nước và được hưởng thụ nhiều sản phẩm du lịch khác biệt, đó là: Hành lang kinh tế Đông Tây-Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (qua Quốc lộ 24) - cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Qua quốc lộ 14) - Nam Lào (qua Quốc lộ 18B) - Ubôn (Thái Lan) – Myanma và ngược lại.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen có thể khai thác những Tuor du lịch nào từ hàng lang kinh tế Đông - Tây và các tỉnh duyên hải miền Trung?
Với vị trí chiến lược, là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Kon Tum, từ huyện KonPlông có thể khai thác nhiều Tuor du lịch:
- Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn - Khu kinh tế mở Chu Lai - Sa Huỳnh - Khu Kinh tế Dung Quất - Khu du lịch sinh thái Măng Đen (qua quốc lộ 24) - Thành phố Kon Tum - Cửa khẩu quốc tế Bờ Y…
- Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn - Khu kinh tế mở Chu Lai - Sa Huỳnh - Khu Kinh tế Dung Quất - Khu du lịch sinh thái Măng Đen (qua quốc lộ 24) - Thành phố Kon Tum - Thành phố PleiKu - Khu du lịch Đồng Xanh (Gia Lai) - Buôn mê thuột (Đăk Lăk) - Đà Lạt (Lâm Đồng)…
- Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn - Hồ Phú Ninh (Quảng Nam) - Khu du lịch sinh thái Măng Đen (qua đường Trường sơn Đông) - Thành phố Kon Tum - Cửa khẩu quốc tế Bờ Y…
- Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn - Hồ Phú Ninh (Quảng Nam) - Khu du lịch sinh thái Măng Đen (qua đường Trường sơn Đông) - Kbang (Gia Lai) - Thành phố PleiKu Khu du lịch Đồng Xanh (Gia Lai) - Buôn mê thuột (Đăk Lăk) - Đà Lạt (Lâm Đồng)…
- Cảng Quy Nhơn - Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) - Thành phố PleiKu (qua Quốc lộ 19) - Khu du lịch Đồng Xanh (Gia Lai) - Thành phố Kon Tum (qua Quố lộ 14) - Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (qua Quốc lộ 24) - Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) …
- Cảng Quy Nhơn - Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) - Thành phố PleiKu (qua Quốc lộ 19) - Khu du lịch Đồng Xanh (Gia Lai) - Thành phố Kon Tum (qua Quốc lộ 14) - Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (qua Quốc lộ 24) - Hồ Phú Ninh (Qua đường Trường Sơn Đông) - Mỹ Sơn - Hội An (Quảng Nam) - Đà Nẵng …
Việc liên kết phát triển tuor du lịch giữa Khu du lịch sinh thái Măng Đen, cửa khẩu quốc tế Pờ Y (Kon Tum) với các tỉnh duyên hải miền Trung và các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma tuy mới ở giai đoạn đầu, nhưng trong tương lai không xa, với loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tính chất sinh thái, Măng Đen sẽ hòa nhập và hội nhập tích cực vào Hành lang kinh tế Đông-Tây và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trình “Con đường xanh Tây Nguyên”./.
Võ Thị Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kon Plông