In bài viết

Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước: Sẵn sàng cùng TP.HCM triển khai hiệu quả Chương trình Phân loại rác tại nguồn

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua (thứ hai từ phải sang) thăm Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

24/02/2011 13:00

Tới thời điểm này, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn (CTR) Đa Phước, bên cạnh việc tiếp nhận, xử lý đảm bảo vệ sinh khoảng 3.000 tấn rác thải mỗi ngày, những hạng mục quan trọng nhất cũng đã được hoàn thành, đảm bảo chất lượng như: Khu xử lý chất thải hữu cơ thành phân vi sinh, nhà máy xử lý nước mưa và nước rỉ rác, nhà trung chuyển, dây chuyền xử lý và tái chế rác... Trong khi đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong công tác bảo vệ môi trường năm 2011 và những năm tiếp theo là: "Triển khai hiệu quảchương trình phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn. Thúc đẩy việc xây dựng cơ cở hạ tầng tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và các dự án tái chế để nhanh chóng tiếp nhận rác tái chế trong năm 2011". Như vậy, Khu Liên hợp xử lý CTR Đa Phước đã sẵn sàng cùng Thành phố triển khai hiệu quả Chương trình Phân loại rác tại nguồn.

Xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn Hoa Kỳ

Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý CTR Việt Nam (VWS) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD. Trong giai đoạn I, mỗi ngày, bãi rác Đa Phước (được xây dựng và vận hành theo quy định và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường khắt khe cấp II của bang California - Hoa Kỳ) tiếp nhận và xử lý hợp vệ sinh 3.000 tấn rác thải. Rác được đem về đây được xử lý bằng công nghệ POSI - SHELL, sử dụng chất phụ gia keo được trộn chung với xi măng và bột vôi (được nhập khẩu từ nước ngoài) rồi phun lên bề mặt của rác. Theo quy trình, rác được tiếp nhận đến đâu sẽ được phun xịt ngay đến đó. Lớp phủ được rải và nén chặt có tác dụng giảm bớt tối đa mùi hôi, ngăn nước rỉ rác thẩm thấu vào tầng nước mặt, diệt côn trùng và phòng ngừa hỏa hoạn xảy ra trong bãi chôn lấp. Sau đó, bề mặt trên cùng sẽ được phủ bạt HDPE nhằm ngăn chặn triệt để mùi hôi và tiêu diệt côn trùng. Ngoài ra, mùi phát sinh từ rác còn được khống chế bằng máy phun sương khử mùi được xịt hàng ngày. Cho nên, ngày mưa cũng như ngày nắng, đứng giữa bãi xử lý rác chúng ta cũng khó cảm nhận được mùi hôi của rác.

Nước rỉ rác được thu gom xử lý triệt để bởi 2 nhà xử lý nước rỉ rác có công suất 3.280 m3/ngày đêm (đầu ra đạt loại A),. Hiện tại, lượng nước rỉ rác sau xử lý được Công tytái sử dụng vào các mục đích sinh hoạt, tưới cây, xịt nước rửa đường, xịt khống chế bụi trong quá trình xây dựng…Đồng thời, trong quá trình xử lý rác, khí ga thu được dùng phát điện cho các hoạt động của Khu liên hợp và trong tương lai sẽ hòa vào lưới điện quốc gia.

Đặc biệt, đến nay Nhà máy xử lý chất thải hữu cơ thành phân compost, dây chuyền xử lý và tái chế rác…với tiêu chuẩn hiện đại đã được hoàn thành và sẵn sàng đi vào hoạt động. Được biết, bắt đầu từ năm 2011, TP.HCM sẽ đẩy mạnh Chương trình "phân loại rác thải tại nguồn", cung cấp lượng rác đã được phân loại phục vụ Nhà máy xử lý chất thải hữu cơ thành phân compost.

Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty VWS cho biết: TP.HCM và các địa phương khác trên cả nước cần sớm triển khai Chương trình "phân loại rác tại nguồn" vì đây là cách tốt nhất để giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, đồng thời cũng tiết kiệm chi phí và đem lại hiệu quả kinh tế trong xử lý rác.

Trong chuyến thăm và chúc Tết tại Khu liên hợp xử lý rác Đa Phước xuân Tân Mão vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua đã đánh giá rất cao tiến độ xây dựng, đặc biệt là sự tích cực khi thực hiện các hạng mục xây dựng nhà xưởng như: thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu chất lượng cao, thi công an toàn…cho thấy cách sử dụng hiệu quả mặt bằng để có thể đưa vào vận hành nhiều loại dây chuyền xử lý khác nhau trong cùng một không gian. Đây sẽ là một kinh nghiệm rất tốt cho thành phố trong việc đầu tư xây dựng cơ bản. Đồng thời,đề nghị Sở TN&MT TP.HCM tiếp tục triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn để nhà máy xử lý rác thành phân compost sớm đi vào hoạt động.

Kêu gọi Kiều bào về đầu tư xử lý rác tại Việt Nam

Mới đây, trong chương trình viếng thăm các công trình tiêu biểu của TP.HCM, hơn 80 người của Đoàn đại biểu Kiều bào ( do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức) đã đến tham quan Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước và thật sự ngạc nhiên về quy mô và tính hiệu quả của công trình này.

Có mặt tại chuyến tham quan, ông Phan Thám, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết: "Việc đầu tư của kiều bào về thành phố trong lĩnh vực vệ sinh môi trường là điều đáng khích lệ và phù hợp với chương trình phát triển của thành phố trong thời gian tới. Tôi nhận thấy tiến độ đầu tư của dự án đáng được khuyến khích, góp phần thay đổi môi trường cho thành phố, đặc biệt là sự ô nhiễm tại các bãi rác. Với những hình ảnh đẹp như hôm nay tại Khu xử lý đã chứng minh được sự tin tưởng của thành phố đã giao cho Công ty VWS đầu tư vào lĩnh vực này. Với sự hỗ trợ của Trung ương cũng như của thành phố, hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều nhà đầu tư là Việt kiều trở về đầu tư, góp phần xây dựng đất nước".

Tại buổi tham quan, tận mắt thấy sự quy mô và hiện đại của Dự án Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước do Công ty VWS - một doanh nghiệp Việt kiều làm chủ đầu tư; và cảm nhận được môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng thông thoáng và đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước dành cho bà con Kiều bào khi về Việt Nam đầu tư….đã khiến nhiều Kiều bào bày tỏ niềm háo hức được quay về quê hương tìm cơ hội đầu tư.

Đặc biệt, nhiều bà con Việt kiều rất quan tâm tới Dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại huyện Thủ Thừa (Long An) có quy mô lên tới 1.760 ha, chuyên xử lý cả chất thải rắn sinh hoạt và chất thải độc hại…do Công ty VWS đang trong quá trình triển khai.Dự án đã được Chính phủ quy hoạch là Khu xử lý chất thải cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ năm 2002. Dự án có tổng vốn đầu tư 700 triệu USD, thời gian đầu tư 20 năm, thời gian tiếp nhận và xử lý rác từ 70 - 100 năm; được áp dụng công nghệ tiên tiến nhất của Hoa Kỳ. Khi hoàn thành, đây sẽ là dự án quy mô tầm Đông Nam Á, phục vụ cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông David Dương cho biết: "Dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh này sẽ là mô hình thí điểm xã hội hóa, cổ phần hóa để kêu gọi vốn đầu tư xây dựng của người dân trong nước và bà con Việt kiều"…

Tú Thanh