|
Thị trường chứng khoán vẫn toàn một màu đỏ rực tại hầu khắp các sàn giao dịch trên thế giới - Ảnh: BBC |
Bất chấp gói giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỉ USD được lưỡng viện và Chính phủ thông qua, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống cả trong các phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu tuần này.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Mỹ, đã giảm mất 200 điểm ngay từ lúc thị trường mở cửa hôm qua, 6/10. Đến giữa phiên giao dịch lại mất thêm 100 điểm. Trong phiên giao dịch chiều cùng ngày, có lúc Dow Jones giảm tới 800 điểm. Cuối ngày chỉ số này phục hồi nhẹ, đóng cửa ở mức 9.955,50 điểm, thấp hơn cuối tuần trước 370 điểm. Như vậy, lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua, chỉ số này tụt xuống dưới ngưỡng 10,000 điểm.
Các cổ phiếu giảm mạnh nhất là Alcoa Inc., Boeing Co. và Walt Disney Co. Tất cả đều giảm trên 7,7%. Trong phiên giao dịch, Goldman Sachs Group Inc., Morgan Stanley và Bank of America Corp. có lúc giảm hơn 6,3%.
Chỉ số Standard & Poor’s 500 Index giảm 42,34 điểm (tương đương giảm 3,85%) xuống 1.056,89, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2003. Chỉ số Nasdaq giảm 3,8%, chỉ số Russell 2000 giảm 3,8%...
Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, màu đỏ đã chiếm toàn bộ các màn hình chứng khoán. Lẻ loi vài con số màu xanh của giá vàng và giá trái phiếu Chính phủ. Giá dầu thô cũng giảm xuống dưới 90 USD/thùng.
Các sàn chứng khoán châu Âu cũng trải qua tình trạng hỗn độn tương tự do những thông tin xấu từ lĩnh vực ngân hàng.
Chỉ số FTSE 100 tại London giảm hơn 8%, mức sụt điểm trong ngày lớn nhất kể từ 1987. DAX 30 của Đức và CAC 40 của Pháp lần lượt giảm 7 và 9% so với mức đóng cửa cuối tuần trước.
Thị trường chứng khoán Nga mở cửa ngày thứ Hai với mức giảm 19,1% cho chỉ số RTS và 18,7 cho chỉ số MICEX. Đến 2 giờ chiều, tuy RTS chỉ còn giảm 11,7%, nhưng thị trường đã phải tạm ngừng giao dịch. Cùng trong ngày thứ Hai, cơ quan thống kê Nga thông báo lạm phát từ tháng Giêng 2008 đến tháng 9/2008 đã lên đến 10,6%.
Chứng khoán Iceland cũng đang ngừng giao dịch trong lúc Chính phủ soạn thảo kế hoạch đối phó với khủng hoảng.
Trong ngày giao dịch đầu tuần, các thị trường châu Á sụt giảm mạnh, với bình quân giảm trên dưới 4% hầu khắp các thị trường.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, 7/10, tất cả các chỉ số chứng khoán vẫn tụt giảm ở mức trên 4% - một mức tụt giảm rất ít xảy ra trước đó nhưng lại đang liên tục duy trì trong vài ngày qua.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật giảm 465,05 điểm xuống 10.473,09 điểm.
Các chỉ số của Hang Seng của Hong Kong, Singapore Straits Times của Singapore và chỉ số Topix tầm rộng tại Nhật cũng đồng loạt giảm rất mạnh, tương ứng 4,97%; 5,61% và 4,67%. Chứng khoán Hàn Quốc mất 4,3%. Cổ phiếu Australia mất 3,4% giá trị.
Các thị trường tại Ấn Độ, Trung Quốc, và Singapore cũng mất điểm. Riêng thị trường Indonesia mất tới 10%.
Giới đầu tư Brazil, Argentina cũng không thoát khỏi thảm cảnh. Cổ phiếu ở Brazil mất 15% giá trị trong khi chứng khoán Argentina giảm hơn 11%.
Chính phủ Mỹ lại cảnh báo về tình trạng căng thẳng của nền kinh tế
|
Tổng thống Mỹ George W. Bush: "Đạo luật giải cứu là một bước tiến lớn, tuy nhiên, cần phải có thời gian để thị trường lấy lại niềm tin và ổn định lại" - Ảnh: AP |
Trước tình hình thị trường chứng khoán đồng loạt tuột dốc với tốc độ ngày càng nhanh, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã một lần nữa phải xuất hiện trên truyền hình, tuyên bố "Đạo luật giải cứu là một bước tiến lớn, tuy nhiên, cần phải có thời gian để thị trường lấy lại niềm tin và ổn định lại."
Nhóm công tác của Tổng thống (PWG) về thị trường tài chính thông báo "Tình hình các thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu đang cực kỳ căng thẳng".
PWG được thành lập từ lần thị trường chứng khoán suy sụp năm 1987, thành viên bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Nhóm cho biết đang cấp tốc "huy động tổng lực trên mọi mặt trận" theo các quyền được trao bởi "Luật khẩn cấp ổn định kinh tế 2008", chính là gói giải cứu 700 tỷ USD được Hạ viện thông qua vào ngày thứ Sáu 3/10 tuần trước. Luật này trao quyền cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Trung ương, và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang được mua lại chứng khoán và tài sản của các ngân hàng.
PWG cũng thông báo sẽ làm việc với các thành viên trên thị trường và các cơ quan quản lý trên toàn cầu để giải quyết các thách thức hiện tại, khôi phục niềm tin và sự ổn định cho các thị trường tài chính toàn cầu.
Trong lần xuất hiện trên truyền hình vào "giờ vàng" tối 24/9 với bài phát biểu kéo dài 12 phút, Tổng thống Bush cảnh báo toàn bộ nền kinh tế Mỹ đang lâm nguy và yêu cầu Quốc hội phê chuẩn kế hoạch giải cứu tài chính trị giá 700 tỉ USD do chính quyền của ông đề xuất. Ông cho rằng việc thông qua kế hoạch này là cần thiết nhằm khôi phục lòng tin trong các thị trường tài chính.
"Tôi là người có niềm tin mạnh mẽ vào hoạt động kinh doanh tự do, vì vậy, thiên hướng tự nhiên của tôi là phản đối sự can thiệp của Chính phủ... Tuy nhiên, đây không còn là những điều kiện bình thường. Thị trường đang hoạt động không tốt và sự mất lòng tin đang lan rộng", Tổng thống Bush nhấn mạnh.
Châu Á khẩn trương chống bão tài chính
Chính phủ Nhật Bản trong tuần trước đã thông qua khoản ngân sách bổ sung 1.810 tỷ yên (17 tỷ USD) cho tài khóa 2008, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế do giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng. Đây là một phần trong khoản kích thích kinh tế cả gói trị giá 11.700 tỷ yên (110 tỷ USD) mà Chính phủ của cựu Thủ tướng Yasuo Fukuda công bố cuối tháng 8 vừa qua.
Tân Thủ tướng Taro Aso đã cam kết thông qua ngân sách bổ sung nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có chiều hướng suy giảm.
Hôm qua, 6/10, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ phê duyệt đề xuất của Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc về việc cho phép giao dịch ký quỹ và bán khống chứng khoán, trước hết áp dụng tại một số công ty môi giới nhỏ sau đó là các công ty chứng khoán lớn. Biện pháp này được hy vọng sẽ cải cách và phát triển thị trường vốn, đồng thời tiếp thêm sinh khí vào thị trường chứng khoán.
Cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố bơm 10 tỷ USD vào thị trường để ổn định tỷ giá đồng won đang bị mất giá tới 26% tính từ cuối năm 2007 đến. Bộ Tài chính nước này cũng kêu gọi các ngân hàng bán bớt tài sản ở nước ngoài, để ngăn chặn tình trạng thiếu thanh khoản trong nước, đồng thời chuyển ngoại tệ gửi tại các ngân hàng nước ngoài về nước để tăng lượng dự trữ ngoại hối.
Còn tại Việt Nam, Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, hoạt động ngân hàng và thị trường tiền tệ trong nước tiếp tục ổn định, không có biến động lớn.
Các ngân hàng thương mại hoạt động bình thường vì không có các mối liên hệ trực tiếp đối với các ngân hàng đầu tư, tổ chức tài chính bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính của nước ngoài. Các ngân hàng trong nước đã chủ động rút tiền gửi ở nước ngoài về và gửi một phần vào các ngân hàng có uy tín cao ở Hồng Kông và Singapore để linh hoạt trong sử dụng. Hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh hoạt động ổn định vì ngân hàng mẹ ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.
Khủng hoảng tài chính Mỹ và những hệ lụy (kỳ 1)
Khủng hoảng tài chính Mỹ và những hệ lụy (kỳ 2)
Khủng hoảng tài chính Mỹ và những hệ lụy (kỳ 3)
Hoàng Nguyên
(Tổng hợp)