Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh THA gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là rất quan trọng. Ảnh: VGP/Thúy Hà |
Khảo sát của Viện Tim mạch Việt Nam tại 1.179 xã, đã phát hiện 1/3 số bệnh nhân THA trong số hơn 2,2 triệu người khám sàng lọc. Trong đó, số người mới phát hiện lần đầu chiếm 50%. Đây là con số đáng báo động vì người dân còn thiếu kiến thức về bệnh THA.
Theo các chuyên gia, THA là một bệnh lý tiến triển âm thầm, có thể gây rất nhiều biến chứng khác nhau, khiến người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí tử vong.
Các biến chứng thường gặp nhất là các biến chứng về tim như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim…; các biến chứng về não như xuất huyết não, nhũn não…; các biến chứng về thận như phù, suy thận và một số biến chứng khác về mắt, mạch máu…
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có khoảng 90% bệnh nhân bị THA không rõ nguyên nhân. Chỉ có một số ít bệnh nhân có một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng… còn đa số các bệnh nhân bị THA thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Do đó, những dấu hiệu lâm sàng thể hiện bệnh THA thường không đặc hiệu và người bệnh có thể không thấy biểu hiện gì khác biệt so với người bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người mắc bệnh THA không biết mình bị bệnh, và cũng có nhiều người biết mình bị bệnh nhưng do không thấy biểu hiện khác thường nên chủ quan, bỏ qua việc điều trị, dẫn tới những tai biến khó lường.
Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh THA gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là rất quan trọng.
Người bị THA nên thường xuyên đo huyết áp ít nhất là 3 lần/tuần. Đồng thời, thực hiện thay đổi lối sống - điều này được ví như điều trị THA không dùng thuốc, nhưng đạt nhiều mục tiêu như phòng ngừa bệnh THA, hạ huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác. Các biện pháp thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục hàng ngày, hạn chế rượu, muối, tránh ăn thức ăn chế biến sẵn, tránh thêm muối, nước mắm khi nấu món ăn, tránh hút thuốc lá…
Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhấn mạnh một giải pháp quan trọng là phát triển hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm và lồng ghép quản lý bệnh liên tục, lâu dài tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu như can thiệp thay đổi hành vi nguy cơ; phát hiện sớm, quản lý người có nguy cơ tim mạch, quản lý lồng ghép đối với các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là THA và đái tháo đường...
Hiện, Việt Nam cũng đang bắt đầu tăng cường triển khai các dịch vụ dự phòng, quản lý THA, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác tại trạm y tế xã và tại cộng đồng. Một số mô hình dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng cũng đã được thí điểm tại địa phương sẽ được tổng kết, đánh giá để làm cơ sở nhân rộng cả nước...
Thúy Hà