In bài viết

Khuyến khích nuôi cá tra theo hình thức hợp tác xã có sự tham gia của doanh nghiệp và nông dân

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Trước thực trạng cá tra, ba sa lúc dư thừa lúc lại thiếu hụt do công tác quy hoạch và dự báo kém, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại và công bố quy hoạch vùng nuôi cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

09/10/2008 16:00

Cần phải có thêm những quy định nhằm hạn chế người nuôi cá tra theo kiểu tự phát

Theo đó, Cục Nuôi trồng thủy sản trực thuộc Bộ có trách nhiệm hoàn thành quy hoạch vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Các địa phương trong khu vực thực hiện ngay việc thống kê chính xác số hộ nuôi cá tra, diện tích đang nuôi, số lồng bè nuôi cũng như số lượng cá đang nuôi từ nay đến cuối năm 2008. Đồng thời, dự báo cho các tháng đầu năm 2009 để làm cơ sở cho kế hoạch chỉ đạo và định hướng phát triển sát thực tế. Trên cơ sở này, Bộ NNPTNT sẽ rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch khu nuôi cá tra phù hợp với đặc thù, kế hoạch phát triển của từng địa phương.

Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi cá tra cần ký hợp đồng tiêu thụ cá tra nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp; khuyến khích việc tổ chức lại nghề nuôi cá theo hình thức tổ hợp tác hoặc HTX nuôi cá có sự tham gia của doanh nghiệp và nông dân.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, những năm gần đây tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra ở các tỉnh ĐBSCL phát triển nhanh, phong trào nuôi cá phát triển mạnh mẽ, giải quyết được nhiều việc làm cho người nông dân nuôi cá và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2007 đến nay, diện tích nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL phát triển nhanh chóng theo hướng tự phát nên tại nhiều địa phương quy hoạch bị phá vỡ, lượng nguyên liệu cung vượt cầu, các nhà máy chế biến quá tải không đủ vốn để thu mua, thiếu kho lạnh để chế biến dự trữ thành phẩm, thị trường xuất khẩu trọng điểm có nhiều rào cản kỹ thuật. Thêm vào đó là tình hình vay vốn ngân hàng khó khăn, lãi suất cao, định mức vốn vay thấp...

PL