In bài viết

Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không giới hạn vùng

(Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương khuyến khích phát triển điện Mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không giới hạn vùng phát triển theo đúng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và kế hoạch thực hiện của quy hoạch này.

12/06/2024 20:25
Khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không giới hạn vùng- Ảnh 1.

Bộ Công Thương đã đề xuất chính sách áp dụng cho các vùng trên cả nước bao gồm cả vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ - Ảnh minh họa

Liên quan đến vấn đề Bộ Công Thương trình thẩm định về dự thảo nghị định về điện Mặt Trời mái nhà, ngày 12/6, đại diện cơ quan này thông tin, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo quy định của pháp luật, việc xây dựng pháp luật phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính minh bạch. Ban soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu quy định của Đảng, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm khi xây dựng nghị định không có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và phải bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, rà soát quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quy định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15, đối với lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo được Quốc hội yêu cầu thực hiện chuyển đổi năng lượng theo hướng sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, sạch. Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, các nguồn điện gió, điện Mặt Trời, nhất là các nguồn có hệ thống lưu trữ năng lượng, điện sinh khối và các loại năng lượng tái tạo khác; nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp.

Đối chiếu định hướng phát triển tại các vùng trong Nghị quyết số 81/2023/QH15, tại một số vùng có nêu định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo, một số vùng không nêu định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo.

Đề xuất chính sách phát triển năng lượng tái tạo trên toàn quốc

Tuy nhiên, với tinh thần chung các vùng trên cả nước đều phát triển năng lượng tái tạo bảo đảm đúng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đã đề xuất chính sách áp dụng cho các vùng trên cả nước bao gồm cả vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ phục vụ công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương dự kiến báo cáo Chính phủ nội dung này.

Bên cạnh đó, thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định và ngày 25/5/2024 Bộ Công Thương đã có văn bản số 3525/BCT-ĐL gửi Bộ Tư pháp gồm các hồ sơ theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thẩm định theo quy định và ngày 4/6/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định.

Cũng theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan này sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét.

"Tuy nhiên, với tinh thần phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện Mặt Trời mái nhà để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt cho nhu cầu sử dụng của người dân và doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến khích phát triển điện Mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không giới hạn vùng phát triển theo đúng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia", đại diện cơ quan này nhấn mạnh.

Điện mặt trời mái nhà không dùng để kinh doanh điện

Trước đó, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ 4/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã thông tin về tiến độ ban hành các chính sách khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản tự tiêu.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu cụ thể liên quan đến điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu dùng tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Cùng với định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện, Quy định cũng ưu tiên khuyến khích phát triển điện gió, điện Mặt Trời tự sản tự tiêu, đặc biệt có điện mặt trời mái nhà của người dân và điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất-kinh doanh tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối và không bán điện vào lưới điện quốc gia.

Việc phát triển này nhằm tận dụng điện mặt trời mái nhà trên các công trình, đồng thời khuyến khích là điện tự sản tự dùng tại chỗ, không dùng cho mục đích kinh doanh, mua bán điện.

Việc triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa và đưa các cơ chế phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu đi vào hoạt động, Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu, hiện đã công khai lấy ý kiến và tuân thủ đúng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Đến nay, Bộ Công Thương đang tiếp thu các ý kiến, đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định, qua đó  báo cáo gửi Chính phủ nhận xét sớm phê duyệt dự thảo Nghị định này," ông Tân cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thông tin một số nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định gồm: khái niệm điện Mặt Trời mái nhà tự sản tự tiêu; phân định các công trình có thể lắp đặt hệ thống điện Mặt Trời mái nhà; cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển điện Mặt Trời mái nhà và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong phát triển điện Mặt Trời mái nhà tự sản tự tiêu.

Phan Trang